Giá trị cốt lõi của Sao Mai

18/10/2019 09:05 GMT+7

Với những bước đi thần tốc nhưng thận trọng, Sao Mai gặt hái nhiều thành công to lớn, trở thành tập đoàn lớn, kinh doanh trên các lĩnh vực cốt lõi như: bất động sản, thức ăn thủy sản, nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu…

Tập đoàn Sao Mai được thành lập năm 1997 với số vốn ban đầu chỉ 970 triệu đồng, giờ đây tổng tài sản theo giá trị sổ sách đã gần 16.000 tỉ đồng. Nếu tài sản được ghi nhận theo giá thị trường thì con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Doanh nghiệp bất động sản hàng đầu ĐBSCL

Tập đoàn Sao Mai đang là một trong những doanh nghiệp BĐS hàng đầu ĐBSCL. Nhiều năm qua, Tập đoàn đã tập trung nguồn lực gầy dựng quỹ đất có vị trí đắc địa thuộc các tỉnh, thành như: Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, TP.HCM, Vũng Tàu, Thanh Hóa, Hòa Bình… Đến nay, quỹ đất đồ sộ này có thể đảm bảo cho Sao Mai thực hiện các dự án BĐS hàng chục năm nữa trong tương lai.
Vấn đề đáng nói ở đây không phải tính đồ sộ của quỹ đất mà là giá trị sinh lợi của những tài sản này. Với tình hình tăng giá đất chóng mặt ở hầu hết các thành phố lớn thời gian gần đây, nếu các tài sản trên của Sao Mai được đánh giá lại theo giá thị trường mới thực sự hiểu hết được “mức độ khủng” của nó như thế nào.

Doanh thu khủng của nhà máy chế biến thức ăn thủy sản

Trên lĩnh vực sản xuất thức ăn thủy sản, Sao Mai đã nghiên cứu nhiều năm và quyết định đầu tư nhà máy công suất 378.000 tấn/năm với tổng vốn lên đến gần 1.000 tỉ đồng. Đây là một trong những nhà máy chế biến thức ăn thủy sản (CBTATS) có công suất lớn nhất Việt Nam. Với cách làm đột phá như: thuê các nhà máy khác gia công để tạo dựng thương hiệu sản phẩm, gầy dựng thị trường từ khi chưa có nhà máy nên ngay khi nhà máy CBTATS vừa hoàn thành đi vào hoạt động đầu tháng 10.2018, sản phẩm của nhà máy đã chinh phục được hầu hết khách hàng khó tính với thị trường rộng mở.
Dù mới vận hành một thời gian ngắn nhưng bất ngờ là nhà máy đã hoạt động hết công suất, bổ sung hơn 4.000 tỉ đồng doanh thu mỗi năm cho Sao Mai và khoản lợi nhuận tương ứng với tỷ suất xấp xỉ 10% của lĩnh vực CBTATS. Nếu so với vốn điều lệ của doanh nghiệp này thì tính riêng mảng thức ăn thủy sản cũng đủ mang lại cho cổ đông mức cổ tức 15% mỗi năm.

Điểm sáng IDI

Về lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu, có thể nói, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) - thành viên của Tập đoàn Sao Mai - là một doanh nghiệp sinh sau đẻ muộn, có tuổi đời non trẻ so với những đơn vị cùng ngành đã hoạt động trước đó hàng chục năm. Tháng 5.2008, IDI mới xuất được container hàng đầu tiên thì các công ty khác đã đạt doanh số hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, với việc đầu tư các nhà máy bài bản, hiện đại theo chiều sâu, cùng với sự quản trị chặt chẽ, thận trọng, chiến lược đúng đắn của ban lãnh đạo đã sớm khẳng định vị thế của IDI trên thị trường quốc tế.
IDI hiện đứng trong Top 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhiều nhất Việt Nam và là một trong số rất ít các doanh nghiệp cá tra đã xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến sản phẩm cuối cùng, hướng đến phát triển bền vững. Doanh số cũng như thị trường của IDI không ngừng mở rộng. IDI đang liên kết bền chặt cùng nông dân trong việc hình thành vùng nuôi cá tra nguyên liệu trên tinh thần đôi bên cùng có lợi với diện tích hơn 300 ha. Quy mô này sẽ được nâng lên nhanh chóng vì trong tháng 7.2019 vừa qua, IDI đã khởi công xây dựng nhà máy chế biến thủy sản số 3 với công suất 400 tấn nguyên liệu/ngày, tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỉ đồng.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai, nhà máy là sự kết tinh của trí tuệ Sao Mai với những công nghệ hiện đại, hàm chứa cả những bài học kinh nghiệm đúc kết từ hơn 10 năm kinh doanh thủy sản. Ước tính 2 năm sau đó, doanh số xuất khẩu của IDI sẽ tăng gần gấp đôi và lợi nhuận từ mảng này sẽ là điểm sáng hứa hẹn đáng mong đợi cho cổ đông của IDI nói riêng và Sao Mai nói chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.