Giá kén tằm tăng cao, các nhà máy vẫn không đủ nguyên liệu sản xuất

16/03/2021 11:50 GMT+7

Sau khoảng 1 năm ngành dâu tằm Việt Nam lao đao do dịch Covid-19 , nay các nhà máy khôi phục sản xuất đẩy giá kén tằm tăng cao.

Ngày 16.3, ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, cho biết sau 1 năm lao đao vì dịch Covid-19 , tơ, lụa sản xuất không tiêu thụ được thì nay ngành trồng dâu nuôi tằm ở VN đang khôi phục sản xuất trở lại đẩy giá kén tằm lên cao.

Các nhà máy dệt lụa khôi phục sản xuất

Ảnh: Lâm Viên

Các nhà máy ươm tơ dệt lụa cạnh tranh mua kén để dệt tơ nên giá kén nhảy vọt lên 180.000 đồng/kg, nhưng vẫn thiếu nguyên liệu sản xuất. Thời điểm đầu năm 2020, giá kén ở mức 140.000 - 150.000 đồng/kg, nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát khắp thế giới giá kén lao dốc “chạm đáy”, chỉ ở mức 60.000 - 80.000 đồng/kg trong thời gian dài; dẫn đến các nông hộ bỏ bê việc canh tác dâu, khiến ngành dâu tằm Việt Nam lao đao.
Theo ông Thọ, thị trường xuất khẩu tơ, lụa chủ lực của VN là Ấn Độ, “đóng băng” trong thời gian dài giãn cách phòng dịch Covid-19, nay đã được khai thông đẩy giá tơ xuất khẩu tăng lên 54 - 55 USD/kg. “Hiện nay giá kén tăng vọt các nông hộ lại vội vàng bón phân đạm NPK tưới nước cho vườn dâu không đúng quy trình. Hậu quả là tằm ăn lá dâu bón phân đạm bị bệnh chết yểu càng khiến sản phẩm kén tằm sụt giảm về chất và lượng”, ông Thọ cảnh báo.

Giá kén tằm lên đến 180.000 đồng/kg sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch Covid-19

Ảnh: Lâm Viên

Thống kê của Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, trong tháng 2 có khoảng hơn 4.000 hộp trứng được nhập về cung cấp cho các công ty và nông hộ trồng dâu nuôi tằm. Bình thường với lượng trứng này cho sản lượng khoảng 200 tấn kén. Trong tháng 3.2021, lượng trứng tằm được nhập về để sản xuất nhiều hơn, giá trứng tằm khi đến tay các nông hộ dao động mức 860.000 - 940.000 đồng/tờ (4 hộp) tùy số lượng mua và thời gian thanh toán.
Cũng theo ông Thọ, đến 90% nguồn trứng giống tằm lưỡng hệ phục vụ sản xuất dâu tằm trong nước (chủ yếu ở Lâm Đồng) phải nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nên gặp không ít khó khăn trong khâu kiểm dịch khiến chi phí các loại tăng thêm… Hiện nay tỉnh Lâm Đồng là địa phương trồng dâu nuôi tằm lớn nhất cả nước với khoảng 15.000 hộ đang canh tác gần 9.000 ha dâu, 120 cơ sở nuôi tằm tập trung, 170 cơ sở thu mua kén tằm và 30 cơ sở ươm tơ, dệt lụa. Do giá kén tăng cao nên các cơ sở tơ tằm gặp không ít khó khăn về khâu nguyên liệu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.