Giá gà trắng ở Tây Ninh chỉ còn 7.000 đồng/kg, người dân phải tiêu hủy gà giống

31/07/2021 19:22 GMT+7

Tây Ninh còn tồn khoảng 1 triệu con gà trắng , giá gà hiện chỉ còn 7.000 đồng/kg, không có chuồng để vào đàn nuôi lứa mới, người dân đành phải tiêu hủy, bỏ gà con giống.

“Con gà 3 kg bán đi chỉ mua được 1 quả bí”
Đó là thông tin ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, chia sẻ tại hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi và thủy sản, do Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT tổ chức chiều nay, 31.7.
Ông Nguyễn Đình Xuân cho rằng, tiêu thụ gà trắng ở địa phương này vẫn còn rất khó khăn. Theo ước tính, toàn tỉnh Tây Ninh hiện còn tồn khoảng 1 triệu con gà, tương đương khoảng 2.500 tấn. Khó khăn trong khâu vận chuyển, thương lái thu mua ít, khiến giá gà trắng hiện nay chỉ còn 7.000 đồng/kg.
Ở mức giá này, người chăn nuôi đang chịu lỗ rất nặng. “Bán một con gà 3 kg hiện nay chỉ thu về được hơn 20.000 đồng, số tiền này chỉ mua được một quả bí”, ông Xuân nói.
Đáng lưu ý, ông Nguyễn Đình Xuân cũng cho biết, gà thương phẩm thì không bán được, dù giá rất rẻ. Nông dân, các hợp tác xã không còn chuồng nuôi để vào đàn giống mới. Thực tế đã ghi nhận, các đơn vị sản xuất con giống hiện nay đã phải tiêu hủy hàng triệu con gà giống.
Ông Xuân nhấn mạnh: “Tình cảnh người chăn nuôi vô cùng khó khăn”. Dù thời gian qua, các bộ, ngành T.Ư đã có rất nhiều văn bản hỗ trợ, hướng dẫn tiêu thụ nông sản nhưng trên đường vẫn có hàng nghìn trạm chốt kiểm soát. Quy trình kiểm soát ở mỗi nơi lại không thống nhất, rất khó cho khâu vận chuyển, giao thương.

Gà, tôm đều tồn vì thương lái không đến mua

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cũng phản ánh, tỉnh này đang đối mặt bài toán dư thừa thực phẩm chăn nuôi, không có nơi tiêu thụ.
Nguồn thực phẩm này trước đây tiêu thụ ở chợ đầu mối, chợ truyền thống nhưng nay đang đóng cửa để phòng dịch. Bên cạnh đó, toàn tỉnh Long An chỉ còn 28/44 có sở giết mổ, heo gà hoạt động.
Theo thống kê tại Long An, chỉ riêng 1 doanh nghiệp hiện nay đã tồn 200.000 con gà ri chưa có nơi tiêu thụ. Khoảng 500 tấn tôm của các hộ chăn nuôi đang tồn dưới ao mà không có thương lái đến thu mua.
Cũng theo bà Khanh, các sản phẩm nông sản, chăn nuôi, thực phẩm bị tắc chủ yếu là do các quy định kiểm soát dịch Covid-19 khiến thương lái khó hoạt động. Một số địa phương đề cao việc bảo vệ “vùng xanh” nên giữa xã, huyện thì cách làm, kiểm soát rất khác nhau, gây khó khăn trong tiêu thụ nông sản.
Theo đó, bà Phương kiến nghị, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT và các cơ quan T.Ư cần có hướng dẫn để có sự thống nhất kiểm soát giữa tỉnh với tỉnh, từ tỉnh xuống đến xã, nếu chỉ giải quyết từng sự vụ thì tình hình tiêu thụ nông sản sẽ còn rất khó khăn.
Theo tổng hợp từ Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, ngoài gà trắng, thì tại các địa phương phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội nhiều sản phẩm chăn nuôi như chim bồ câu, chim cút, trứng chim cút... hiện đang có dấu hiệu dư thừa, khó tiêu thụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.