Forbes: Việt Nam sẵn sàng hóa thành con hổ châu Á kế tiếp

10/09/2016 08:13 GMT+7

Bài viết dưới đây là góc nhìn về kinh tế Việt Nam của cây bút Ed Fuller, được đăng tải trên tạp chí Forbes . Ông Fuller là lãnh đạo ngành khách sạn, nhà giáo và tác giả nổi tiếng thế giới.

Với nhiều người trong thế hệ của tôi, Việt Nam là một bí ẩn phức tạp, tùy thuộc vào trải nghiệm và kỷ niệm về đất nước này trong lòng mỗi người.
Tôi đến miền Nam Việt Nam năm 1970 với vị trí đại úy quân đội Mỹ, ngay lập tức bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp thiên nhiên cùng sự ấm ấp, chân thành và hiếu khách của người Việt Nam. Trách nhiệm đưa tôi đến nhiều thành phố và cơ sở tại đây, dũa sắc niềm đam mê học hỏi về văn hóa, người dân và các quốc gia châu Á. Với lịch sử 4.000 năm, tôi thấy rằng Việt Nam có cơ sở văn hóa phong phú. Tôi hiểu rằng người Việt tin vào lời dạy của Khổng Tử, vốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ, trách nhiệm và nghĩa vụ. Khi tôi thân thuộc hơn với lịch sử nước Việt, những gì khiến tôi nhớ là hơn 2.000 năm đấu tranh chống quân xâm lược nước ngoài và quan trọng hơn, là khả năng học hỏi của người Việt để cuối cùng chống được ách ngoại xâm.
Hậu chiến, dân Việt Nam nói về nước Mỹ như thế này: “Tại sao chúng tôi nên tức giận người Mỹ? Chúng tôi chiến đấu với Trung Quốc 1.000 năm, chống Pháp 100 năm và chống Mỹ 10 năm”. Có ai tự vấn rằng ngày nay, Mỹ là đối tác thương mại chính của Việt Nam?
Tôi về lại Sài Gòn năm 2006. Tập đoàn Marriott khi ấy đang đàm phán làm ăn nhưng tình hình không khả quan, vì thế tôi dành thời gian của mình làm việc khác. Đây là lúc tôi được mở rộng tầm mắt. Chuyến đi đó là lần đầu trong số 14 chuyến đi của tôi trên đất nước này từ năm 2006.
Con hổ tiếp theo của châu Á?
Ngày nay, Việt Nam sẵn sàng để trở thành con hổ tiếp theo của châu Á. Như Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc trước đây, Việt Nam đang pha chế công thức đúng cho sự tăng trưởng bền vững, nhanh chóng.
Như tờ The Economist viết hồi tháng 8, “đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam chạm kỷ lục trong năm 2015 và tăng trở lại trong năm nay. Các thương vụ đạt 11,3 tỉ USD trong nửa đầu năm 2016, tăng 105% từ cùng kỳ năm ngoái dù kinh tế thế giới đang di chuyển chậm chạp. Các hiệp định thương mại lý giải phần nào tình hình song một thứ gì đó sâu sắc hơn đang diễn ra”.
Kể từ năm 1990, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trung bình gần 7% mỗi năm, chỉ đứng sau Trung Quốc. Mức tăng trưởng kéo đất nước ra khỏi hàng quốc gia có mức thu nhập thấp nhất thế giới. Nếu người Việt có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 7% trong một thập kỷ tới, họ sẽ như Trung Quốc và các con hổ châu Á khác. Song hôm nay Việt Nam đang đứng giữa ngã ba đường. Như tờ The Economist viết, nếu tăng trưởng kinh tế Việt Nam rơi trở lại mức 4%, họ sẽ “kết thúc đồng hạng với Thái Lan, Brazil”.

tin liên quan

Kinh tế Đài Loan: Con hổ đang già ở châu Á
Chật vật với vấn đề nhân khẩu học khi những người trẻ lần lượt rời quê hương còn số người sẽ về hưu thì tăng vọt, kinh tế Đài Loan được hãng tin Reuters ví như một con hổ đang già và đang cần con.
Việt Nam có thế mạnh gì?
Những gì Việt Nam có để tiến tới là 92 triệu dân, đa phần là người trẻ (với độ tuổi trung bình là 30,7) và có tay nghề. Chi tiêu công cho giáo dục vào khoảng 3,6% GDP, cao hơn ngưỡng bình quân của hầu hết các nước thu nhập thấp và trung bình. Xếp hạng trên thế giới, thiếu niên 15 tuổi Việt Nam thường xuyên vượt các bạn người Mỹ, Anh trong môn toán, khoa học. Tất cả yếu tố trên có lợi cho các nhà máy Việt Nam, nơi người lao động phải dùng được máy móc phức tạp.
Một yếu tố có lợi khác là vị trí địa lý của đất nước. Giáp Trung Quốc giờ đây là lợi thế cạnh tranh vì, như The Economist cho biết, không nước nào gần với trung tâm sản xuất ở phía nam Trung Quốc hơn Việt Nam, với các nối kết đường bộ, đường biển. Lương bổng Đại lục tăng khiến quốc gia Đông Nam Á trở thành điểm đến cho giới doanh nghiệp muốn dời sang các trung tâm sản xuất chi phí thấp hơn.
Cuối cùng, Việt Nam góp mặt trong một số hiệp định thương mại. Tờ báo Anh cho hay nước này sẽ hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TTP) nếu thỏa thuận đó thành công. Tuy nhiên, ngay trong trường hợp TTP không hoàn tất, Việt Nam vẫn có nhiều thỏa thuận đang tiến hành và sắp có hiệu lực khác với Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc.

tin liên quan

Nếu TPP hoàn tất, Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất
(TNO) 12 nước tham gia đàm phán đang đếm ngược cho thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới: Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi TPP hoàn tất, Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi lớn nhất.
Riêng ngành du lịch
Du lịch đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam, góp hơn 16 tỉ USD cho nền kinh tế, hay 9,3% GDP, hồi năm ngoái, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC). Với mục tiêu thu hút 55 triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm đến năm 2030, Việt Nam giới thiệu chính sách miễn thị thực vào năm ngoái, áp dụng với du khách đến từ 22 nước châu Âu và châu Á, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Nga và chín nước thành viên ASEAN. Luật mới cho phép du khách đến Việt Nam không cần thị thực, ở lại tối đa 15 ngày.
Thêm vào đó, một lượng lớn dự án cơ sở hạ tầng và giao thông chính đang được lên kế hoạch trong vòng 15 năm tới, bao gồm bảy khu vực phát triển du lịch mới, nhiều tuyến đường thủy tại thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh cũng như tuyến đường sắt đến tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng trong khu vực dự kiến sẽ tiến xa hơn nhờ một loạt thỏa thuận song phương được ký kết với các nước Lào, Campuchia và Myanmar.
Nhờ thế, giới phân tích dự đoán nguồn cung phòng khách sạn sẽ tăng trong ba năm tới. Hãng tư vấn bất động sản CBRE cho hay số phòng khách sạn ở TP.HCM và Hà Nội tăng 8% mỗi năm đến năm 2018. WTTC cũng lạc quan như vậy khi báo cáo gần nhất cho hay tốc độ tăng trưởng hằng năm ngành du lịch Việt Nam là 6,2% trong thập niên tới.
Đã gần 50 năm kể từ ngày đầu tôi đặt chân lên đất Việt. Dù chuỗi sự kiện ngày qua chẳng có gì lý tưởng, tôi rất vui mừng vì những thứ thay đổi ngày nay. Trong kinh doanh khách sạn, khi đánh giá một bất động sản để phát triển, trước hết chúng tôi nhìn vào “cốt lõi”. Việt Nam luôn có “cốt lõi”. Thật tuyệt khi nhìn thấy tầm nhìn phát triển mang lại tối đa tiềm năng cho tương lai kinh tế Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.