FDI chảy vào Đông Nam Á tăng kỷ lục

25/06/2015 17:32 GMT+7

(TNO) Dù tăng trưởng kinh tế thế giới yếu đi, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào các nước thuộc khu vực Đông và Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Singapore tăng kỷ lục.

(TNO) Dù tăng trưởng kinh tế thế giới yếu đi, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào các nước thuộc khu vực Đông và Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Singapore tăng kỷ lục.

FDI chảy vào các nước thuộc khu vực Đông và Đông Nam Á tăng kỷ lục trong năm qua - Ảnh: Reuters
Hôm nay 25.6, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã công bố báo cáo Đầu tư thế giới. Theo đó, tổng FDI đổ vào khu vực Đông và Đông Nam Á tăng 10% lên mức kỷ lục 381 tỉ USD trong năm qua, theo tờ The Jakarta Post.
Trong đó, FDI cho khu vực Đông Nam Á tăng 5% lên đến 133 tỉ USD. FDI vào Singapore chỉ tăng 4% trong khi đầu tư trực tiếp vào Indonesia và Việt Nam tăng lần lượt 20% và 3%.
Vốn FDI chảy vào thông qua nhiều hình thức như mô hình hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) hoặc mô hình hợp tác công - tư (PPP).
“Một số dự án được tiến hành theo hình thức BOT đã nhận vốn nước ngoài đáng kể, đóng góp vào cơ sở hạ tầng trong các ngành công nghiệp như điện và giao thông”, báo cáo cho biết.
Đơn cử ở Việt Nam, tập đoàn AES (Mỹ) hợp tác với POSCO Power (Hàn Quốc) và Tổng công ty đầu tư Trung Quốc trong việc phát triển nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 thuộc tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam).
“Với một thỏa thuận theo kiểu BOT với chính phủ Việt Nam, dự án có tổng vốn đầu tư 1,4 tỉ USD và có khả năng trở thành một ví dụ cho các dự án điện lực thực hiện dựa trên hình thức PPP ở nước này”, báo cáo viết.
Khu vực Đông Nam Á cũng chứng kiến sự gia tăng FDI nội khối. 45% vốn đổ vào ngành công nghiệp cơ sở hạ tầng của các công ty đa quốc gia châu Á chảy vào các dự án nội khối. Các nước, vùng lãnh thổ và khu vực như Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Malaysia và Singapore là những nguồn quan trọng nhất của hoạt động đầu tư.
Xét trên bình diện toàn cầu, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm qua lại giảm 16% so với năm 2013.
Theo các chuyên gia, FDI toàn cầu giảm là do tình hình kinh tế thế giới bất ổn, nhiều chính sách đầu tư không chắc chắn cùng hàng loạt rủi ro vì căng thẳng địa chính trị tại một số nước.
Cụ thể, tổng FDI tại các quốc gia phát triển giảm 28% xuống còn 499 tỉ USD. Trong khi đó, luồng vốn đổ vào các nền kinh tế đang phát triển tăng 2% lên đến 681 tỷ USD - mức cao nhất từ trước tới nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.