EVN SPC tăng cường đầu tư lưới điện

30/07/2018 13:49 GMT+7

Giai đoạn 2018 - 2020, EVN SPC có kế hoạch đầu tư nhiều công trình lưới điện 110 kV và lưới điện hạ áp với tổng giá trị 28.765 tỉ đồng.

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã và đang triển khai đầu tư nhiều công trình lưới điện nhằm khắc phục tình trạng quá tải, cải thiện chất lượng điện áp, phát triển lưới điện phù hợp đảm bảo cung ứng điện với độ tin cậy cao.
Hàng loạt công trình đưa vào vận hành
Ông Nguyễn Phước Đức, Phó tổng giám đốc EVN SPC, cho biết trong năm 2017, EVN SPC đã thực hiện đầu tư khối lượng lưới điện với tổng giá trị 7.375 tỉ đồng, đạt 90,87% kế hoạch. Theo đó, hoàn thành đóng điện công trình trạm 220 kV Long Xuyên 2 (250 MVA) và đấu nối, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện trung gian cho các trạm 110 kV khu vực tứ giác Long Xuyên đang thiếu nguồn. Hoàn thành 64 công trình lưới điện 110 kV với tổng khối lượng đưa vào vận hành gồm 164 km đường dây xây dựng mới, 268 km đường dây cải tạo nâng cấp, tổng dung lượng tăng thêm là 2.183 MVA. Riêng lưới điện phân phối, đã có 557 công trình hoàn thành đưa vào vận hành gồm 1.100 km đường dây trung thế xây dựng mới, 1.030 km đường dây trung thế cải tạo, 1.795 km đường dây hạ thế xây dựng mới, 1.186 km đường dây hạ thế cải tạo và tổng công suất trạm phân phối tăng thêm là 353 MVA.
Năm 2018, tổng công ty dự kiến đóng điện đưa vào vận hành 513 công trình lưới điện trung hạ thế, với tổng khối lượng 1.275 km đường dây trung thế xây dựng mới, 1.205 km đường dây trung thế cải tạo, 1.431 km đường dây hạ thế xây dựng mới, 3.246 km đường dây hạ thế cải tạo và tổng công suất trạm phân phối là 822,7 MVA.
Song song đó, ngành điện chủ trương xóa dần việc bán điện qua hình thức câu phụ (câu đuôi, câu chuyền, chia hơi), tiến tới bán điện trực tiếp đến từng hộ sử dụng điện qua công tơ chính của ngành điện, với tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2020. Trong 2 năm 2016 - 2017, EVN SPC đã bố trí 295 tỉ đồng cho các công ty điện lực để xóa 153.212 hộ sử dụng điện qua câu phụ có suất đầu tư thấp dưới 2 và 3 triệu đồng/hộ. Năm 2018 tiếp tục bố trí 194 tỉ đồng để xóa 49.130 hộ câu phụ có suất đầu tư thấp dưới 4 triệu đồng/hộ.
Đảm bảo năng lực phân phối điện
Theo ông Nguyễn Phước Đức, giai đoạn 2018 - 2020, EVN SPC có kế hoạch đầu tư nhiều công trình lưới điện 110 kV và lưới điện hạ áp với tổng giá trị 28.765 tỉ đồng.
Về lưới điện 110 kV: Xây dựng theo cấu trúc mạch vòng, các trạm biến áp trong khu vực có mật độ phụ tải cao cần đảm bảo thiết kế theo sơ đồ hợp lý để đảm bảo có thể vận hành linh hoạt, tăng cường đầu tư các công trình đường dây 110 kV đường trục, mạch vòng, mạch 2, cải tạo nâng tiết diện để đảm bảo cung ứng điện cho các phụ tải với độ tin cậy được nâng cao.
Về lưới điện hạ áp: Đảm bảo năng lực phân phối điện và có thể cung cấp bán trực tiếp cho các phụ tải phù hợp với phát triển thị trường điện. Đầu tư chống quá tải củng cố lưới điện, các công trình nuôi tôm công nghiệp, trồng thanh long, các trạm bơm tưới tiêu chống hạn, các khu vực vùng lõm, xóa câu đuôi kéo chuyền. Đầu tư các dự án theo chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, EVN SPC đầu tư hệ thống nguồn diesel, năng lượng mặt trời tăng cường cấp điện cho khu vực hải đảo (H.Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu và H.Phú Quý, Bình Thuận) và các nguồn năng lượng mặt trời áp mái tại các đơn vị trực thuộc...
Để thực hiện kế hoạch trên, trước tiên EVN SPC tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các dự án có hiệu quả đầu tư cao nhằm đảm bảo an toàn cung cấp điện, đảm bảo mục tiêu chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế.
Đến cuối quý 1/2018, toàn EVN SPC có 2.513/2.513 xã, phường, thị trấn có điện, đạt tỷ lệ 100%. Số hộ dân có điện là 7,77 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,56%; trong đó số hộ dân nông thôn có điện là 5,14 triệu hộ, đạt tỷ lệ 99,40%. Tổng công ty đang bán điện trực tiếp đến 7,2 triệu hộ dân, chiếm tỷ lệ 92,7%, còn lại 7,3% số hộ do các tổ chức điện nông thôn mua điện của ngành điện và bán lẻ đến các hộ dân phía sau công tơ tổng, tập trung hầu hết tại 2 tỉnh An Giang và Trà Vinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.