Được giá cũng lo

09/05/2016 09:00 GMT+7

Giá gạo xuất khẩu của VN đã tăng, vượt Ấn Độ, Pakistan và thu hẹp khoảng cách với gạo Thái.

Nhưng chưa kịp mừng vì giá gạo tăng, các doanh nghiệp và cả người dân trồng lúa lại đối diện với nỗi lo khi lợi thế cạnh tranh về giá đã không còn.
Bộ Công thương dẫn số liệu từ trang tin giá gạo toàn cầu Oryza.com cho hay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của VN cuối tháng 4 ở mức 370 - 380 USD/tấn. So với đầu vụ đông xuân, con số này đã cao hơn 15 - 20 USD mỗi tấn.
Không còn lợi thế giá rẻ
Trước mắt, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cần đàm phán sửa đổi nghị định thư về kiểm dịch với gạo xuất sang Trung Quốc phù hợp với thông lệ quốc tế
Bộ Công thương kiến nghị
Tuy nhiên, cùng thời điểm, giá mặt hàng này của các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ đã thấp hơn từ 5 - 10 USD/tấn, Pakistan còn rẻ hơn nữa. Đó là chưa kể, tại các thị trường quan trọng như châu Phi, Trung Đông thì Ấn Độ và Pakistan còn có khả năng cạnh tranh hơn nhờ tiết kiệm được chi phí vận chuyển. Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA), quý 1 vừa qua, sản lượng gạo Việt xuất khẩu sang thị trường châu Phi, một bạn hàng lớn, chiếm tới xấp xỉ 10% tổng gạo xuất khẩu của VN, đã giảm gần 11% so với cùng kỳ. “Với diễn biến giá cả nội địa như hiện nay, thương nhân nước ta khó mà chào bán mức thấp, tức là lợi thế cạnh tranh về giá sẽ không còn”, Bộ Công thương nhận định.
Đặc biệt, với Trung Quốc, một trong những thị trường xuất khẩu gạo chính của chúng ta được nhận định là có nhiều yếu tố khó lường. Theo đánh giá của VFA, Trung Quốc trong quý 1/2016 đã tăng mua gạo VN hơn 50% so với cùng kỳ, để trở thành thị trường chiếm 24,5% lượng gạo xuất khẩu của VN. Thế nhưng, theo báo cáo của sở công thương các tỉnh biên giới phía bắc, số lượng gạo xuất sang Trung Quốc 3 tháng qua giảm đáng kể khi chưa đạt 8.700 tấn với giá trị chỉ 3,39 triệu USD. Mức này so với cùng kỳ năm ngoái chưa bằng 10% về sản lượng lẫn giá trị.
“Nhập khẩu gạo qua biên giới phía bắc vào Trung Quốc được coi là yếu tố chi phối cục diện xuất khẩu gạo song khó dự đoán, chịu tác động của chính sách quản lý biên mậu của Trung Quốc và vẫn có sự khác biệt lớn giữa số liệu báo cáo của cơ quan chức năng với thông tin lượng thóc gạo chuyển từ miền nam ra bắc”, Bộ Công thương nhìn nhận.
Nỗi lo gạo Thái
Nếu trước đây, gạo Việt chủ yếu kém cạnh tranh với người Thái về chất lượng thì nay, yếu tố giá cũng khiến cơ quan quản lý lưu tâm mà cận kề nhất là tìm cách đối phó với chủ trương giải phóng 11,4 triệu tấn gạo tồn kho ngay trong tháng 5 và 6 mà chính phủ Thái Lan vừa công khai hồi cuối tháng 4. Theo giới xuất khẩu gạo, trong hơn 11 triệu tấn gạo kể trên phần lớn là chất lượng thấp, gạo cũ. Đây không phải là phân khúc mà VN đang cạnh tranh trực tiếp với gạo Thái.

Cơ hội cho gạo Việt

Hạn hán đang gây tác hại nghiêm trọng cho các 'vựa lúa' châu Á, nhưng VN được dự báo có thể duy trì, thậm chí tăng sản lượng gạo xuất khẩu.
Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, một khi nguồn cung tăng mạnh mà cầu chưa theo kịp thì sẽ tạo áp lực giảm giá, nên VN cũng cần chủ động lên kịch bản ứng phó. Thái Lan trong năm 2016 dự kiến xuất khẩu 9 triệu tấn, chủ yếu là thông qua đàm phán chính phủ, mà nỗ lực đầu tiên là bán 2 triệu tấn cho Trung Quốc, Indonesia và Philippines trong nửa đầu năm nay.
Nguồn tin từ Bộ Công thương cho biết cụ thể hơn, khoảng một tháng trước, Thái Lan đã lên kế hoạch xuất khẩu thêm 1 triệu tấn sang Trung Quốc, chưa kể còn khoảng 130.000 tấn của hợp đồng 1 triệu tấn đã được ký trước đó, dự kiến cũng sẽ được giao trong tháng này.
Trong khi, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo nhập của Trung Quốc năm nay sẽ giảm 3% so với năm ngoái với sản lượng khoảng 5 triệu tấn.
Với những yếu tố kể trên, mục tiêu xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo của VN trong năm nay đang đứng trước nhiều thách thức. Một trong những giải pháp đáng chú ý nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo vừa được Bộ Công thương báo cáo Chính phủ là cần có giải pháp tháo gỡ các rào cản về kiểm dịch thực vật, quy chuẩn với mặt hàng này để đa dạng thị trường xuất khẩu.
“Trước mắt, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cần đàm phán sửa đổi nghị định thư về kiểm dịch với gạo xuất sang Trung Quốc phù hợp với thông lệ quốc tế”, Bộ Công thương kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.