Dùng 'vốn mồi' để tháo điểm nghẽn hạ tầng

Mai Hà
Mai Hà
01/06/2020 07:52 GMT+7

Các công trình giao thông trọng điểm chậm trễ, ì ạch về đích đang tạo ra những điểm nghẽn kết nối lớn tại nhiều khu vực như đồng bằng sông Cửu Long, hay thậm chí tại chính các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Được đầu tư khá nhiều dự án cao tốc trong nhiều năm qua, song tới nay mạng lưới cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Đông Nam bộ vẫn chưa rõ hình hài khi các tuyến kết nối như cao tốc Bến Lức - Long Thành đang “đóng băng”, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ì ạch vì vướng vốn vay, Mỹ Thuận - Cần Thơ chưa làm rõ được hình thức đầu tư.
Để giải cứu tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành ngày 21.5, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư với dự án này. Nút thắt lớn nhất của dự án là xác định cơ quan thẩm quyền (Bộ GTVT hay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) đã được gỡ, với việc xác định Bộ GTVT là cơ quan chủ quản và sẽ tiến hành thủ tục điều chỉnh dự án, bao gồm cả xin gia hạn Hiệp định vay ADB, điều chỉnh thời gian thực hiện đến 31.12.2023... Với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, liên danh 4 ngân hàng cho vay đã ký hợp đồng tín dụng cuối năm 2019 và đang giải ngân các gói vay theo tiến độ thi công, toàn dự án tính đến tháng 5 đạt hơn 45% khối lượng. Dự kiến dự án sẽ thông tuyến kỹ thuật vào cuối năm nay và đưa vào sử dụng trong năm 2021.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, với cao tốc Bắc - Nam, công tác giải phóng mặt bằng đang được các địa phương tập trung đẩy mạnh và đạt tiến độ rất tốt. Hiện hơn 70% mặt bằng tuyến cao tốc đã được thu hồi, mục tiêu tháng 6 sẽ cơ bản xong mặt bằng với các đoạn đủ dài để nhà thầu thi công. Các phần mặt bằng vướng còn lại gồm di dời hạ tầng kỹ thuật, xác định nguồn gốc đất... sẽ cơ bản hoàn thành xong trong quý 3 năm nay. Đáng chú ý, giải phóng mặt bằng và các thủ tục liên quan tới sơ tuyển nhà thầu, đấu thầu vẫn đang được Bộ GTVT triển khai song song với việc Quốc hội xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án thành phần PPP này, chuẩn bị sẵn sàng cho cả 2 phương án đầu tư công hoặc PPP.
Đánh giá về các dự án giao thông chậm tiến độ, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông của JICA, cho rằng trở ngại lớn nhất với các dự án giao thông hiện nay ngoài mặt bằng chính là vốn. “Các dự án phải sử dụng vốn vay ngân hàng thời gian tới sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận vốn, do tổng mức dư nợ và cam kết tín dụng với các dự án BOT giao thông đã chạm tới ngưỡng”, ông Đức nói và cho rằng, về dài hạn trong vài năm tới, Chính phủ cần tính tới các giải pháp huy động vốn dài hạn từ nguồn lực trong nhân dân, các quỹ đầu tư nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu, lập các quỹ đầu tư phát triển cao tốc... Song trước mắt, khi chưa đa dạng được các nguồn lực, giải pháp tốt nhất để đẩy nhanh các dự án giao thông chính là dùng vốn ngân sách để đầu tư một số dự án cấp thiết.
“Thời điểm hiện tại, dùng vốn đầu tư công cũng là một cách để giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19. Thông thường, các nước cũng sử dụng đầu tư công như “vốn mồi” để kích thích nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng trở lại sau đại dịch, thông qua các gói kích thích và đặc biệt là dùng vốn công đầu tư vào hạ tầng. Việt Nam cũng nên sử dụng giải pháp này để đẩy mạnh kinh tế, rót vốn đầu tư công vào các dự án hạ tầng, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam”, ông Đức nói và cho rằng nếu sử dụng vốn công thì dự án phải triển khai thật nhanh, không để dây dưa trì hoãn, lỡ thời cơ vàng phục hồi cho các lĩnh vực liên quan.
Với các dự án đường sắt đô thị, chuyên gia này cho rằng mỗi dự án có một lý do chậm khác nhau, song điểm chung là năng lực ban quản lý dự án còn hạn chế. Ban quản lý dự án thay mặt nhà nước quản lý vốn và giám sát mọi vấn đề, làm việc trực tiếp với nhà thầu, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát..., nên nếu không đủ kinh nghiệm, năng lực, rất khó để kiểm soát tiến độ, chất lượng dự án.
Hiện, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM đều chung tình cảnh chậm tiến độ, song cả 2 TP đã có kế hoạch triển khai tiếp các dự án mới. Trong đó, Hà Nội đã thông qua chủ trương triển khai dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai và tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc.
“Cần đúc rút kinh nghiệm từ các dự án hiện tại, là bài học để triển khai các dự án đường sắt đô thị trong tương lai, bắt đầu từ khâu soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, tính đúng dự toán đầu tư, giải phóng mặt bằng sạch và chọn được ban quản lý dự án đủ mạnh”, ông Đức nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.