Đừng đối thoại nóng xong rồi... để đó

Chí Hiếu
Chí Hiếu
16/05/2019 06:55 GMT+7

Ngày 15.5, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019.

“Năm nay nói đến 2 - 3 năm sau lại nói”

Doanh nhân Trần Trọng Kiên chia sẻ rằng là lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) lớn, lại là Ủy viên Hiệp hội Du lịch, nên ông tham gia rất nhiều buổi đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng DN, thậm chí là đối thoại cấp cao.
Tuy nhiên, điều làm ông suy nghĩ là có những vấn đề được nói từ lần này hết lần khác, năm này rồi đến 2 - 3 năm sau mà không được giải quyết dù thời điểm đề cập thì mọi người đều công nhận đó là “vấn đề nóng”. Như trong lĩnh vực hàng không, ông Kiên cho rằng, với vấn đề cấp phép bay, chỉ cần 1 hội thảo giữa 2 bộ là xong nhưng cứ bàn đi bàn lại rất nhiều. “Mỗi lần cấp phép bay phải mất 2 - 3 tháng, trong khi 2 - 3 giờ vẫn có thể xong”, ông Kiên dẫn chứng và nói thêm rằng còn rất nhiều ví dụ tương tự trong lĩnh vực du lịch. Cho nên, điều doanh nhân này mong mỏi là có một cơ chế để làm sao sau đối thoại thì các vấn đề nóng được giải quyết chứ không đối thoại hình thức.

Chúng ta cứ nói trải thảm kêu gọi đầu tư nhưng có những thủ tục đến vài năm làm nhà đầu tư nản lòng

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính thừa nhận ngay cả trong một số đối thoại cao cấp cũng còn có sự việc được đề cập đi đề cập lại.
“Cho nên, điều chúng tôi cho là mấu chốt nằm ở cơ chế thực thi để xử lý được vấn đề”, ông Dũng nói và dẫn chứng: trong các cuộc đối thoại của Tổ công tác Thủ tướng hay lãnh đạo Chính phủ chủ trì thì sau khi kết thúc trao đổi, các nhóm vấn đề được phân ra. Nếu nội dung DN kiến nghị thuộc thẩm quyền của Thủ tướng hoặc Chính phủ thì sẽ báo cáo ra Chính phủ trong cuộc họp gần nhất để bàn bạc, quyết định, thậm chí ra nghị quyết để áp dụng ngay trong trường hợp chưa sửa được nghị định. Còn các vấn đề mà trách nhiệm xử lý là của các bộ trưởng thì Chính phủ yêu cầu các bộ phải có phương án để giải quyết nếu xét thấy yêu cầu của DN là xác đáng, đồng thời giao cho Hội đồng tư vấn hoặc tổ công tác để giám sát.
Dù vậy, tại hội nghị, đa số các ý kiến, nhất là đại diện phía DN vẫn kiến nghị duy trì và tăng cường cơ chế đối thoại. Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN, cho rằng cần tăng cường thêm một số hội nghị, cơ chế đối thoại trực tiếp với từng ngành, với địa phương. “Tôi tin là có rất nhiều điều các đồng chí nghe sẽ ồ lên ô sao việc này như thế này mà nó lại như thế”, ông Nam nói.

Cần lượng hóa hiệu quả, đánh giá độc lập

Báo cáo của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho biết, trong riêng 4 tháng đầu năm 2019, hội đồng đã chủ trì 7 cuộc họp, đối thoại với 13 hiệp hội DN và các bộ, ngành liên quan để tiếp nhận 69 vấn đề vướng mắc của DN. Qua đó đã kiến nghị giải quyết 54 vấn đề thì có 23 vấn đề đã được giải quyết. Những vấn đề còn lại đã được các bộ tiếp thu và cam kết hoàn thành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời cũng có 15 nội dung các cơ quan chức năng thấy rằng chưa đủ cơ sở xử lý.
Phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết qua tiếp xúc cử tri, nhân dân phản ánh hiện nay các bộ, ngành còn nhiều rào cản, nhiều thủ tục hành chính cần cải cách lại chưa cải cách. Đây chính là “nút thắt”, cần lắng nghe địa phương, DN nói gì, cần gì để tháo gỡ kịp thời.
“Chúng ta cứ nói trải thảm kêu gọi đầu tư nhưng có những thủ tục đến vài năm làm nhà đầu tư nản lòng”, Phó thủ tướng nói, đồng thời yêu cầu cần đẩy mạnh hoạt động đánh giá độc lập việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng, khảo sát, đánh giá theo chuyên đề như chuyên đề về tình hình, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp cận điện năng; chuyên đề về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính… báo cáo Thủ tướng và công bố công khai cho cộng đồng DN và xã hội.
Đánh giá phải thực chất và hiệu quả
Hằng năm, Hội đồng tư vấn thực hiện đánh giá và công bố chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là một hoạt động có ý nghĩa. Tuy nhiên, cần phải cẩn trọng trong thực hiện, việc đánh giá phải thực chất và hiệu quả. Đồng thời, chủ động đối thoại giữa Hội đồng tư vấn với các bộ, ngành và địa phương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là kinh tế khu vực tư nhân.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.