Đừng để đặc khu kinh tế thành 'miếng mồi' của lợi ích nhóm

21/09/2017 08:30 GMT+7

Ngày 20.9, Bộ KH-ĐT tổ chức hội thảo 'Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt'.

Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH-ĐT) Trần Duy Đông cho biết mô hình hoạt động chính quyền địa phương được đề xuất theo hướng không tổ chức HĐND và UBND tại 3 đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Theo dự thảo mới nhất luật Hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế), trưởng đặc khu được trao quyền lực lớn, do Thủ tướng bổ nhiệm, 77/116 nhóm quyền được giao thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, chịu sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh. Dự thảo luật cũng đề xuất việc thành lập Hội đồng giám sát và tư vấn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bao gồm đại diện cơ quan quản lý cấp trên, các chuyên gia, nhà đầu tư chiến lược tại đặc khu... Việc giám sát của cơ quan này sẽ được báo cáo thẳng lên Thủ tướng.
Tuy nhiên, PGS Huỳnh Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, băn khoăn về việc có rất nhiều ưu đãi khác biệt được đề xuất áp dụng ở 3 đặc khu như thời hạn giao đất kéo dài tới 70 - 99 năm. Luật giải quyết thế nào để đảm bảo trưởng đặc khu không tổ chức “xây tường kín mít” như một “đơn vị ngoại bang”? Câu chuyện lợi ích nhóm thì có công cụ nào ngăn chặn khi quyền đã giao hết cho trưởng đặc khu?
PGS Giao chưa thấy tin tưởng vào hiệu quả của Hội đồng tư vấn và giám sát vì cơ quan này kiêm nhiệm. “Nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả thì lợi ích nhóm len lỏi vào đây và 3 đặc khu dễ trở thành 3 miếng mồi ngon lành”, PGS Giao cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.