'Đừng bao giờ nghỉ việc đang làm để theo đuổi đam mê'

13/06/2016 16:19 GMT+7

“Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Đây có lẽ là một trong những lời khích lệ nghề nghiệp phổ biến nhất. Tuy nhiên, đối với nhà thiết kế đồ họa tự do Janelle Quibuyen, câu nói trên là sai lầm.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của Janelle Quibuyen, nhà thiết kế đồ họa tự do kiêm quản lý mạng xã hội ở Seattle (Mỹ), về trải nghiệm thực tế mà cô có sau khi nghỉ công việc toàn thời gian để theo đuổi đam mê.
Hai năm trước, tôi bỏ công việc với chế độ lương toàn thời gian và nhiều lợi ích khác để theo đuổi việc làm nhà thiết kế đồ họa tự do. Đây có lẽ là tuyên bố sáo rỗng nhất mà bạn đọc trên mạng thời nay.
Kể từ đó, tôi nhận được nhiều phản ứng khá tương tự nhau. Mọi người ngạc nhiên trước chuyện tôi vừa thực hiện bước nhảy vọt lớn, mang tính thay đổi cuộc đời. Tôi nhận được nhiều tin nhắn dạng như “Wow bạn rất can đảm và có dũng khí” hay “Thật tuyệt khi bạn đang theo đuổi đam mê của mình” và “Tôi ước gì tôi cũng có thể làm sếp của mình”.
Ban đầu, tôi chẳng suy nghĩ gì nhiều. Những việc cá nhân xảy ra vào thời điểm đó có đủ sức ảnh hưởng để tôi bỏ công việc toàn thời gian. Sau khi tôi nhận được nhiều phản ứng như nhau trong thời gian dài và đọc đi đọc lại các bài viết về chuyện thành công theo dạng “Tôi nghỉ việc và khởi nghiệp”, tôi bắt đầu tin vào điều này. Nó trở thành một phần trong câu chuyện của tôi.
Thật dễ dàng để trải qua nhiều thứ những người trẻ khởi nghiệp từng kể. Tôi hối hả làm việc để có đủ hợp đồng mỗi tháng, để kiếm tiền đủ sống. Tôi đối mặt với nỗi sợ hãi và lo lắng liên quan đến chuyện ổn định mỗi ngày. Tôi nghĩ về tương lai, tự hỏi tôi có thể duy trì được bao xa trên con đường này.
Tuy nhiên, tôi được trả tiền để làm điều tôi yêu thích và đây vốn là thứ được cho là thoải mái hơn bất cứ điều gì. Tôi vui vẻ và thấy thỏa mãn. Tôi hãnh diện vì được theo đuổi đam mê và tự hào vì mình làm được điều đó.
Dù vậy, phần nào trong tôi vẫn không thấy hài lòng. Là ông chủ của chính mình cực kỳ khó. Bạn chẳng có ai để đổ lỗi ngoài bản thân khi mọi việc không như mong đợi. Điều làm tôi khó chịu nhất là cái cách chúng ta nói về các doanh nhân như những người can đảm, có dũng khí. Hãy nói thẳng về việc này.
Tôi không dũng cảm hơn người lao động nhập cư đang hái dâu tây để gửi tiền về cho gia đình ở quê nhà. Tôi không dũng cảm hơn một bạn trẻ mới tốt nghiệp, đang làm cật lực 9 giờ/ngày để trả khoản nợ sinh viên lớn. Tôi không phải là ông chủ mà là bà mẹ thuộc giai cấp lao động, với 3 công việc kiếm tiền nuôi con.
Ngày nay, chúng ta bị “tấn công dồn dập” bằng những thông điệp rằng cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi ta làm điều mình yêu. Bỏ công việc toàn thời gian để du lịch thế giới. Bỏ lại mọi thứ để tự làm chủ. Xa rời thói quen để xây dựng thứ gì đó từ con số 0.
Chúng ta có lớp học trực tuyến, hội thảo, sách vở và lời khuyên từ các chuyên gia. Chúng ta được tiếp thị loại ứng dụng hứa hẹn rằng bắt đầu kinh doanh riêng là chuyện dễ dàng. Chúng ta được bảo rằng hy sinh thì rất khó khăn, nhưng xứng đáng: “Bạn chỉ cần bỏ công việc bạn làm, bỏ hết, mua sách điện tử về lời khuyên của tôi với giá 20 USD và có niềm đam mê để kiên trì”.
Chúng ta ca ngợi những người đủ “dũng cảm” để bỏ công việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều vốn không có gì thú vị. Chúng ta lý tưởng hóa và lãng mạn hóa ý tưởng làm chủ bản thân và chịu trách nhiệm lịch trình của mình, để chấp nhận rủi ro và gặt hái lợi ích dồi dào. Song không ai nói về sự bền vững thực sự hay tính hiệu quả của công thức này, khi mà cuộc chơi chẳng bao giờ công bằng cả.
Bỏ công việc đang làm để theo đuổi đam mê là nhảm nhí. Thông điệp này chỉ có lợi cho nhóm người có đặc quyền đặc lợi, và rất nguy hiểm cho tầng lớp lao động.
Câu nói trên về cơ bản đã khẳng định rằng bạn có một công việc toàn thời gian. Nó khẳng định rằng bạn có thời gian để phát triển niềm đam mê. Nó khẳng định rằng bạn có lựa chọn theo đuổi một cái gì đó khác vì bạn thích thế. Chúng ta đang lấy việc thu hút tầng lớp lao động vào lối sống doanh nhân làm câu trả lời cho một cuộc sống có ý nghĩa và kiếm rất nhiều tiền. Đây là giấc mơ Mỹ mới.
Trong câu chuyện của riêng tôi, cá nhân tôi không bỏ công việc trả lương toàn thời gian và có nhiều lợi ích để trở nên can đảm và theo đuổi đam mê. Tôi không bỏ cuộc vội vàng, cũng không có “bước nhảy vọt trong niềm tin”. Tôi bỏ việc vì tôi có nhiều trách nhiệm mới và đầy thách thức trong cuộc sống cá nhân. Tôi bỏ việc vì tôi chán nản. Tôi bỏ việc vì tôi không thể chịu nổi 40 phút đi lại, làm việc từ 9 giờ sáng đến 10 giờ đêm, đôi khi là 12 tiếng mỗi ngày. Tôi bỏ việc vì tôi có công việc tự do để làm. Tôi bỏ việc vì tôi cân nhắc các lựa chọn mình có liên tục trong bảy tháng trước khi ra quyết định cuối cùng.
Tôi có lợi thế là không có khoản vay sinh viên nào để phải trả nợ. Tôi có lợi thế là tôi trả gần hết khoản nợ thẻ tín dụng khi còn làm toàn thời gian. Tôi có lợi thế là có người yêu đang làm việc toàn thời gian, và đó cũng là người mà tôi có thể sống chung. Tôi bỏ việc vì tôi có lợi thế để làm vậy.
Tôi không muốn bất cứ ai đang đi làm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều cảm thấy mình như một kẻ khờ khi phải làm công việc ổn định, hoặc thấy sai nếu như họ thật sự thích công việc ổn định đó. Tôi muốn mọi người biết rằng câu chuyện về những doanh nhân thành đạt sau một đêm, được kể trước ánh đèn sân khấu, đều bỏ qua chi tiết về lợi thế mà họ có trong thời gian đầu.
Không phải ai cũng có thể, hoặc nên nghỉ việc với hy vọng sẽ tìm được việc khác hạnh phúc và ý nghĩa hơn. Niềm đam mê có thể là động lực của bạn, nhưng đôi khi nó không đủ để thanh toán các hóa đơn. Khái niệm này là lý tưởng cho tất cả mọi người, nhưng phi thực tế với số đông.
Tôi không nói rằng tầng lớp lao động không thể trở thành những doanh nhân thành đạt. Tôi chỉ nói rằng nếu bạn chưa từng đọc về đặc quyền của việc tự làm chủ, truyền cảm hứng và can đảm của lớp doanh nhân đang theo đuổi đam mê của họ, thì đây là bài viết cho bạn.

tin liên quan

CEO càng độc tài, doanh nghiệp càng thành công
“Liên Xô mà tôi bỏ lại là chế độ độc tài nhưng nơi làm việc là nền dân chủ. Mỹ thì có thể tự do nhưng nơi làm việc là chế độ độc tài”, Len Erlikh nói sau khi tôi tuyển ông vào hãng First Boston.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.