Đức phát hành trái phiếu với mức lãi suất âm

14/07/2016 07:04 GMT+7

Đức vừa trở thành nước thứ nhì trong nhóm G7 phát hành trái phiếu có lãi suất âm do lo ngại sự kiện Brexit, tức Anh rời Liên minh châu Âu (EU), khiến giới đầu tư đổ xô về sự an toàn của nợ chính phủ Đức.

Theo AFP, Ngân hàng Trung ương Đức, hay Bundesbank, vừa thông báo họ bán hơn 4 tỉ EUR, tương đương 4,5 tỉ USD, trái phiếu kỳ hạn 10 năm với mức lãi suất -0,05%. Trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm, hay “Bund” là chuẩn mực trên thị trường nợ, được xem là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất.
Đây là lần đầu tiên giới đầu tư chấp nhận mức lãi suất tiêu cực trong đợt phát hành trái phiếu đầu tiên. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải trả tiền để được sở hữu trái phiếu Đức kiên cố giữa nhiều lo ngại về quyết định Brexit và nền kinh tế.
Người đi vay thường trả lãi trên số tiền họ mượn. Song trong tình hình bất ổn kinh tế, chính trị dâng cao, các mức lãi suất này giảm xuống thấp kỷ lục vì giới đầu tư tìm về nơi trú ẩn an toàn. Bằng việc chấp nhận lãi suất trái phiếu âm, nhà đầu tư bỏ rơi hy vọng kiếm lời trên khoản đầu tư của họ, xem đây là cách hợp lý chống lại việc tiền bạc bay hơi giữa bất ổn thị trường chứng khoán, các loại hàng hóa và tiền tệ.
Lãi suất nợ chính phủ đã và đang thấp trong một thời gian, khi các ngân hàng trung ương mua trái phiếu từ giới đầu tư trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng thanh khoản. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất cơ bản về 0 và tung chương trình mua trái phiếu khổng lồ, gọi là nới lỏng định lượng (QE), nỗ lực đẩy lạm phát và tăng trưởng đi lên.
Đức là một trong ba nước ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), và là một trong sáu nước ở EU có nợ chính phủ được đánh giá mức cao nhất AAA. Tình hình tài chính Đức hưởng lợi từ danh hiệu nơi trú ẩn an toàn trong những năm gần đây.
Việc giảm chi phí vay giúp Đức cân bằng ngân sách hồi năm 2014. Đó là lần đầu tiên kể từ năm 1969, quốc gia châu Âu làm được việc này.

tin liên quan

Nỗi sợ mang tên 'lãi suất âm'
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã và đang có nhiều bước đi chưa từng có để hồi sinh nền kinh tế. Song họ đã đi quá xa, theo CNN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.