Đức cảnh báo 'khủng hoảng diesel' có thể tác động lên kinh tế

22/08/2017 14:35 GMT+7

Chính phủ Đức cho hay cuộc khủng hoảng động cơ diesel 'bẩn' là một trong các mối đe dọa đối với kinh tế nước này.

Theo CNN, hôm 21.8, chính phủ Đức cho biết dù không thể xác định được khả năng sụt giảm của nền kinh tế vào lúc này song nguy cơ đặt ra với tăng trưởng tương lai là không thể bỏ qua. Trong báo cáo tháng 8 hằng năm, Bộ Tài chính Đức đưa “khủng hoảng diesel” vào danh sách các mối đe dọa kinh tế, trong đó có khả năng đàm phán Brexit, tức Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), thất bại và quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về mặt thương mại.
Chính phủ Đức cho hay: “Rủi ro còn liên quan đến vấn đề Brexit và chính sách thương mại Mỹ trong tương lai. Ngoài ra, sự kiện được biết đến với cái tên “khủng hoảng diesel” cũng phải được phân loại là nguy cơ mới, dù ảnh hưởng của nó chưa thể được ước tính ở thời điểm hiện tại”.
Đức là cường quốc kinh tế châu Âu và đang phát triển mạnh. Vụ bê bối khí thải của động cơ diesel đến vào giữa thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị: Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn có nhiệm kỳ thứ tư trên ghế lãnh đạo trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 24.9 sắp tới.
Bộ Tài chính Đức cho hay số liệu và khảo sát cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng để có quý thể hiện tốt tiếp theo trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9. Sản xuất ô tô là ngành công nghiệp lớn nhất của Đức. Ngành này tạo ra 800.000 việc làm và sản xuất nhiều hàng xuất khẩu nhất. Danh tiếng “made in Germany” trong ngành ô tô đại diện cho chất lượng và độ tin cậy của phương tiện.
Bê bối diesel bùng phát cách đây hai năm khi hãng Volkswagen thừa nhận gian lận bài kiểm tra khí thải bằng cách sử dụng phần mềm để động cơ diesel chạy sạch hơn trong các bài kiểm tra so với trong điều kiện lái xe bình thường. Từ lúc đó, nhiều nhà sản xuất ô tô, trong đó có các hãng Đức, bị điều tra vì có hành vi tương tự.
Áp lực càng dâng cao trong những tuần gần đây sau khi giới chức chống độc quyền châu Âu cho hay ngành ô tô Đức có một nhóm doanh nghiệp bắt tay hoạt động bất hợp pháp trong nhiều năm. Một số thành phố và thị trấn Đức cũng dọa cấm ô tô chạy bằng diesel vì lo ngại về mức độ ô nhiễm. Tháng trước, ngành này đồng ý sửa lại hơn 5 triệu chiếc xe diesel để giảm lượng khí thải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.