Đưa 'kinh tế ngầm' ra ánh sáng

16/02/2019 07:14 GMT+7

Theo một nghiên cứu của Trường đại học Fulbright trước đây, kinh tế ngầm ở VN có thể tương đương 25 - 30% GDP. Nếu có thể “kiểm soát” được khu vực này, quy mô nền kinh tế sẽ đầy đủ, toàn diện hơn.

Trốn thuế, mại dâm, ma túy sẽ bị “soi”

 Thoạt nhìn có thể cho rằng, phía hộ kinh doanh chúng ta đang có lợi, nhưng thật ra cứ duy trì mô hình bé nhỏ thì chính chúng ta không tự làm lớn mình để cạnh tranh tốt. Trong quá trình thống kê mảng kinh tế phi chính thức, cần có những chiến lược giúp đỡ, khuyến khích các hộ kinh doanh có mô hình sản xuất lớn lên thành DN để tạo đà cạnh tranh về lâu dài
TS Lê Đăng Doanh
Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (kinh tế ngầm) với mục tiêu đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế.
Giải pháp chủ yếu là khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện thực trạng các hoạt động “kinh tế ngầm” theo 5 nhóm hoạt động của ba khu vực kinh tế gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng; khu vực dịch vụ; loại hình sở hữu (kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài); ngành, lĩnh vực; địa bàn tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và các tiêu thức khác. Trên cơ sở đó, xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát.
Trả lời về khu vực kinh tế chưa được quan sát trong năm 2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng khu vực này bao gồm 5 thành tố. Đó là hoạt động kinh tế ngầm, gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp nhưng chủ các cơ sở kinh doanh đó không khai báo vì mục đích trốn thuế, không nộp thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng hay trốn đóng bảo hiểm xã hội, không thực hiện các chế độ báo cáo theo pháp lý của nhà nước (báo cáo tài chính, báo cáo thống kê). Thứ hai là hoạt động kinh tế phi pháp như buôn ma túy, mại dâm, hay bao gồm cả hoạt động hợp pháp nhưng do các cơ sở kinh doanh bất hợp pháp thực hiện, những cơ sở không đăng ký kinh doanh. Thứ ba là hoạt động kinh tế chưa được quan sát như sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, không phân biệt sản xuất kinh doanh hay hộ cá thể hoặc không rõ quan hệ lao động giữa chủ lao động với người lao động, không có hợp đồng lao động. Thứ tư là hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu. Cuối cùng là hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.

Những DN núp bóng hộ kinh doanh

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận xét lớn nhất trong khu vực “kinh tế ngầm” của VN có lẽ là hoạt động sản xuất ngầm (underground production). Đây là hoạt động sản xuất hợp pháp, nhưng có chủ ý giấu giếm các cơ quan chức năng để giảm thuế phải nộp (thuế giá trị gia tăng hoặc thuế thu nhập) hoặc giảm đóng góp cho bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật, hoặc trốn tránh việc đăng ký, ghi chép vào các điều tra hành chính hoặc các bảng hỏi thống kê.
Ngoài thuật ngữ “sản xuất ngầm”, một số nước sử dụng các thuật ngữ khác để chỉ hoạt động loại này như “hoạt động bị giấu giếm”, “nền kinh tế bị che đậy”, “nền kinh tế đen”… Tiếp đến là hoạt động kinh tế phi pháp như buôn lậu, hối lộ, mại dâm… Quan trọng nhất là từ trước đến nay, không có cơ quan nào ở VN thừa nhận có hoạt động ngầm. Ví dụ như các doanh nghiệp (DN) luôn phản ánh có tình trạng phải “lót tay” khi thực hiện một số thủ tục thuế, hải quan hoặc tình trạng “mãi lộ” trên các tuyến đường giao thông. Thậm chí, tình trạng DN duy trì hệ thống hai sổ sách kế toán khác nhau vẫn tồn tại.
“Không ai thừa nhận các hiện tượng ngầm cũng như không ai thừa nhận có hoạt động mại dâm dù nó hiển nhiên tồn tại. Vậy làm sao thống kê được? Số liệu từ đâu ra? Vậy đưa số liệu nào vào GDP vì đã gọi là kinh tế ngầm thì làm sao thu thuế được. Vì vậy, việc đưa vào thống kê khu vực kinh tế này là chuyện bình thường nhưng không nên đưa vào chỉ tiêu GDP”, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh chia sẻ thêm.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cần “bình tĩnh” hơn và nên hiểu phần kinh tế ngầm một cách tích cực. Vị chuyên gia này cho rằng ông phản đối việc tận thu thuế ông xe ôm, bà bán phở đầu ngõ, nhưng với những hộ gia đình hiện có sử dụng cả 100 lao động nhưng vẫn đóng thuế khoán là điều không bình thường.
Ông đưa ra một vài số liệu cho rằng khu vực kinh tế phi chính thức tức là chưa vi phạm luật pháp nhưng việc tuân thủ luật pháp một cách đầy đủ là chưa cao. Cụ thể, DN tư nhân có đăng ký hiện đóng góp 12,2% GDP. Trong khi đó, khu vực kinh doanh hộ gia đình chiếm đến 33,1% GDP, nhưng chỉ đóng
vào nguồn thu ngân sách 0,2%. Tỷ lệ chiếm GDP của hộ kinh doanh gia đình như thế là cao một cách không bình thường so với các nước có nền kinh tế thị trường khác.
“Thế nên, tôi hoàn toàn ủng hộ đề án đưa phần kinh tế phi chính thức vào tính toán GDP. Có như vậy mới giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển và cạnh tranh được với khu vực kinh tế tư nhân trong khối ASEAN”, TS Lê Đăng Doanh nói
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.