Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 đeo thêm tròng cho xe công nghệ?

24/06/2019 15:00 GMT+7

Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 đã đến lần thứ 9 nhưng quy định quản lý với xe công nghệ như Grab, Go-Viet... vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

"Đeo thêm tròng" cho taxi công nghệ

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trình dự thảo lần thứ 9 Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sau khi bản dự thảo lần 8 được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng hai lần kết luận “nội dung dự thảo Nghị định vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, còn nhiều ý kiến khác nhau đối với một số nội dung trọng yếu; một số nội dung chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, điển hình là luật giao thông đường bộ, luật giao dịch điện tử…”
Đáng chú ý, sau nhiều lần lấy ý kiến các bên liên quan, việc định danh loại hình dịch vụ ứng dụng kết nối, đặt xe trên thị trường (như Grab, FastGo, Go-Viet, Be) được đánh giá tiếp tuc không rõ ràng, thậm chí chồng chéo hơn. Cụ thể, cùng 1 loại hình, Bộ GTVT đưa ra 3 khái niệm và quy định khác nhau do 3 cơ quan khác nhau quản lý (chưa kể các cơ quan quản lý chuyên ngành như công an, quản lý giá, thuế...), bao gồm: kinh doanh vận tải (do Bộ GTVT quản lý), thương mại điện tử (do Bộ Công thương quản lý), và nền tảng công nghệ (do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý).
Bên cạnh đó, dự thảo lần 9 còn yêu cầu xe hợp đồng chuyển đổi sang loại hình taxi, đồng nghĩa với việc toàn bộ các xe ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng phần mềm để tính tiền, đặt xe, hủy chuyến đã được cấp phù hiệu sẽ phải cấp đổi phù hiệu xe taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của xe taxi. Đặc biệt, quy định lắp hộp đèn nóc (gắn mào) đối với tất cả các loại xe dưới 9 chỗ ngồi sử dụng ứng dụng kết nối với hành khách đã bị các chuyên gia, nhiều cơ quan nhà nước góp ý phản đối nhưng vẫn được Bộ GTVT giữ nguyên trong lần sửa đổi này.
 
Quy định xe công nghệ phải gắn mào vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia và Bộ, ngành Ngọc Dương

Tư tưởng quản lý bảo hộ, đi ngược xu thế

Là người đã theo dõi quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 86 từ lâu, cũng trực tiếp tham dự nhiều hội thảo góp ý và gửi ý kiến chính thức đến cơ quan soạn thảo, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: "Đến nay đã qua gần 10 vòng trình dự thảo lên Chính phủ, chưa kể vô số những dự thảo không chính thức khác mà các quy định quản lý vẫn “rối như canh hẹ”"
Theo ông Long, Bộ GTVT vẫn thể hiện rõ tư tưởng quản lý bảo hộ qua "kiên trì" gọi các ứng dụng kết nối hiện nay là kinh doanh vận tải với lý do là “đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng” theo ý kiến của các Hiệp hội vận tải, Hiệp hội taxi. Gần đây, khi ý kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông được đón nhận tích cực, Bộ GTVT có “mở lòng” tiếp thu bằng cách đưa nguyên đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông vào, nhưng lại không hề thay đổi các nội dung cũ. Điều này vô tình khiến các góp ý của Bộ Thông tin và Truyền trở thành một “lớp” quản lý chồng chéo nữa lên các ứng dụng công nghệ trong dự thảo Nghị định.
Thứ hai là cách tiếp cận chính sách “quay lưng” với thời đại. Mặc dù trong hầu hết các tờ trình và giải thích của ban soạn thảo, thường có lời khẳng định “khuyến khích”, “yêu cầu” tất cả các đơn vị vận tải phải ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động kinh doanh, phù hợp với thực tế về sự phát triển khoa học công nghệ. Thế nhưng, trong khi xe thường phải có phù hiệu và niêm yết chữ trong xe, thì cùng loại xe đó khi sử dụng ứng dụng, họ phải có thêm hộp đèn gắn cố định trên nóc xe.  
"Việc phân biệt đối xử với xe ứng dụng công nghệ, quàng thêm các quy định cho công nghệ như vậy là hoàn toàn đi ngược với chủ trương của Chính phủ, ngược với tuyên bố của chính Ban soạn thảo là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành vận tải" - ông Long nhấn mạnh.
Đồng tình, chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng đánh giá quy định bắt xe sử dụng kết nối ứng dụng phải gắn hộp đèn trên nóc và yêu cầu các hãng cung cấp dịch vụ gọi xe chuyển đổi sang kinh doanh vận tải là bất hợp lý. Việc  yêu cầu một hãng chỉ sống bằng việc khai thác công nghệ phải thêm gánh nặng quản lý vận tải nữa là trái với quy luật phát triển và xu thế quốc tế.
"Quản lý là việc của Nhà nước, thu thuế là việc của cơ quan thuế; đảm bảo xe có đủ điều kiện chạy hay không là việc cơ quan đăng kiểm; đảm bảo an toàn khi lưu thông trên đường, xử lý vi phạm luật lệ giao thông là việc của cảnh sát giao thông… Công ty công nghệ có trách nhiệm cung cấp một số dữ liệu nhất định để phục vụ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các chức năng nhiệm vụ như nói trên chứ không phải là gánh hết, chịu phần khó cho Nhà nước. Các quy định như thế này đi ngược lại xu hướng phát triển kinh tế chia sẻ, không khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo và đổi mới, đi ngược lại hay chính định hướng của Chính phủ đã đặt ra" - ông Đồng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.