Dự thảo quản lý siêu thị lạ đời!

08/06/2018 07:21 GMT+7

Dự thảo quy định siêu thị phải mở cửa suốt tuần và đến 22 giờ hằng ngày, chỉ được bán hàng giảm giá 3 lần trong một năm... đang khiến cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế bất ngờ trong bối cảnh Chính phủ quyết liệt cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Siêu thị phải có diện tích từ 250 m2
Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, tiêu chuẩn siêu thị có 13 điểm, trong đó bao gồm bắt buộc diện tích phải từ 250 m2 đến dưới 10.000 m2. Riêng tiêu chuẩn đối với trung tâm thương mại (TTTM) là từ 10.000 m2 trở lên. Ngoài ra, các siêu thị bắt buộc phải có dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện và qua điện thoại. Nghị định cũng nêu rõ: chỉ có các đơn vị kinh doanh đáp ứng đủ các quy định này thì mới được phép đặt tên là siêu thị hay TTTM hoặc bằng tiếng nước ngoài như supermarket, hypermarket, shopping center, trade center...
Những quy định quá chi tiết, đi sâu vào hoạt động của DN tạo ra cảm giác như cơ quan quản lý trở lại thời bao cấp trước đây. Điều này khiến môi trường kinh doanh ngột ngạt, cơ quan quản lý nhà nước tốn thời gian mà hiệu quả không cao
Luật sư Trương Thanh Đức

Trong quy định về quản lý và điều hành theo dự thảo, siêu thị và TTTM phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 - 22 giờ mỗi ngày. Dự thảo cũng quy định các siêu thị mỗi năm chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá, mỗi đợt giảm giá phải kéo dài tối thiểu 30 ngày và giữa hai đợt giảm giá phải cách nhau ít nhất 30 ngày.
Ngoài ra, một số quy định đề cập chi tiết như hàng hóa được bán trong siêu thị phải đáp ứng yêu cầu là do tổ chức cung ứng ổn định và thường xuyên thông qua đơn hàng hoặc hợp đồng với các nhà sản xuất kinh doanh. Các đơn vị bán lẻ này phải có ít nhất 1 giám đốc hoặc thành viên hội đồng quản trị là người Việt và nhân viên ở tất cả các cấp, bao gồm cấp quản lý phải có thành phần là người Việt không dưới 50%...
Nguy cơ biến tướng thành “giấy phép con”
Góp ý về dự thảo này, Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN (AVR) cho rằng không nên quy định “trần” diện tích cho siêu thị. Bởi trong trường hợp các siêu thị hiện tại lớn hơn 10.000 m2 mà không đủ điều kiện được xếp vào TTTM thì sẽ được phân loại vào loại hình nào? Hay việc quy định các siêu thị phải có dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet hay qua điện thoại là không thực tế. Bởi không nhất thiết siêu thị nào cũng phải có mà tùy thuộc vào cách kinh doanh của từng đơn vị. Đặc biệt, AVR nhấn mạnh: quy định thời gian mở cửa không phù hợp thực tế, can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Tương tự, các quy định về khuyến mãi là hạn chế quyền kinh doanh của DN. Đồng thời không nên quy định mà đợi thực hiện theo Nghị định mới về xúc tiến thương mại sắp được ban hành để đảm bảo tính thống nhất...
Liên quan đến dự thảo này, văn bản của Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) nhận định: “Chính phủ và Bộ Công thương đang nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mà Bộ quản lý. Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo về bản chất lại đang thiết kế thêm các điều kiện kinh doanh mới và do đó cần được cân nhắc lại”. Một thành viên trong ban soạn thảo văn bản góp ý của VCCI nhấn mạnh: Các quy định này là can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của DN một cách bất hợp lý. Nếu lo ngại các đợt giảm giá tại siêu thị, TTTM sẽ ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh thì cần phải kiểm soát theo pháp luật cạnh tranh, chứ không phải kiểm soát riêng theo cách này.
Nhiều DN sẽ bị gạt ra khỏi thị trường?
Ông Vũ Quốc Chinh, giảng viên marketing - Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận xét: Các quy định chi tiết trong quản lý hoạt động kinh doanh của DN là cách quản lý quá tủn mủn, thể hiện sự độc quyền, hạn chế cạnh tranh của DN và đa số “gạt bỏ DN nhỏ ra khỏi thị trường” và ngăn DN mới tham gia. Nếu DN không đáp ứng được, buộc phải rời bỏ thị trường, hoặc tìm cách sáp nhập, hay chỉ làm thầu phụ cho các DN ngoại lớn. Đặc biệt các quy định đó vi phạm nguyên tắc thị trường, trái quy luật hay làm méo mó tính chất kinh tế thị trường đi. Nếu muốn hỗ trợ cho DN VN thì phải làm cho họ mạnh lên chứ không phải ngăn chặn đối thủ cho yếu đi.
Hiện nhiều siêu thị vẫn mở cửa đến 22 giờ hằng ngày và giao hàng tận nhà Ảnh: Ngọc Dương
“Ví dụ khuyến mãi bắt 1 năm 3 lần cũng quá vớ vẩn. Thực ra DN có bài toán kinh doanh của họ, chẳng nhẽ sợ cảnh khuyến mãi ồ ạt rồi cá lớn nuốt cá bé? Nếu làm vậy, DN có 1.000 cách để lách luật như tặng quà dịp sinh nhật siêu thị, ngày lễ. Tương tự, việc ép siêu thị bán hàng online hay qua điện thoại là quy định “chắc chỉ thấy tại VN”, ông Chinh bình luận.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, cho rằng dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối với nhiều quy định hạn chế sự tự do kinh doanh của DN là trái với các luật khác. Bản chất của nghị định là để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật nên không được phép tùy tiện “đẻ” thêm các điều kiện hạn chế mà luật không nêu. Điều này cũng trái với nguyên tắc tự do kinh doanh của người dân và DN. Khi đưa ra các điều kiện phải chứng minh mục đích để làm gì? Sao phải yêu cầu siêu thị mở cửa đến 22 giờ hằng ngày mà không phải là kéo dài đến 24 giờ nếu muốn phục vụ người dân? Khung pháp lý về các vấn đề khác như chất lượng hàng hóa, quảng cáo, khuyến mãi... đều đã được ban hành. Do đó dù cho nơi bán chỉ có 1 m2 hay 1.000 m2 cũng phải bán hàng đảm bảo an toàn, không ôi thiu, quảng cáo sản phẩm đúng quy định. Cơ quan quản lý nhà nước nếu phát hiện vi phạm chỉ cần xử phạt thật nặng.
Luật sư Trương Thanh Đức phân tích thêm: “Những quy định quá chi tiết, đi sâu vào hoạt động của DN tạo ra cảm giác như cơ quan quản lý trở lại thời bao cấp trước đây. Điều này khiến môi trường kinh doanh ngột ngạt, cơ quan quản lý nhà nước tốn thời gian mà hiệu quả không cao. Trong khi Hiến pháp và các luật đều quy định rõ những hoạt động mà người dân và DN được phép thực hiện và không được thực hiện thì không cần phải can thiệp quá sâu. Những chi tiết như thế nào cần để cho DN tự quyết và thực hiện trong quá trình hoạt động. Vì DN cần sự chủ động khi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và nếu không linh hoạt thì dễ bị loại ra khỏi thị trường”.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận định: “Khái niệm “để tăng cường quản lý” là sai lầm. Chính “bệnh quản lý” đã nảy sinh những hệ lụy như tạo nền kinh tế ngầm, gánh nặng chi phí hành chính lớn hơn so với thực tế. Đặc biệt, nhiều điều kiện đặt ra đã vô hình trung ngăn cản DN tham gia vào thị trường hay nói đúng hơn là gạt bỏ DN nhỏ ra khỏi thị trường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.