Du lịch nghiệp dư

20/10/2012 03:10 GMT+7

Hơn 20 năm mở cửa đón khách quốc tế, nhưng ngành du lịch vẫn rất nghiệp dư trong việc “lấy tiền” của du khách.

Ăn xổi, ở thì

Như hiện nay, không chỉ chúng ta không thu được bao nhiêu tiền từ du khách, mà chưa góp phần nâng cao hình ảnh của du lịch Việt Nam

Du khách tàu biển nổi tiếng giàu có và chi tiêu cao cho mua sắm do đặc thù là không sử dụng dịch vụ lưu trú ở điểm đến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khách không mua sắm nhiều do di chuyển xa và tổ chức bán hàng kém. Điển hình nhất là mới đây, du thuyền 5 sao Voyager of the Seas, thuộc hãng tàu Royal Caribbean danh tiếng của Mỹ chở gần 4.000 du khách, thuyền viên đã neo lại ở cảng quốc tế SP-PSA (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) để đưa khách tham quan TP.HCM hoặc Vũng Tàu. Nhiều du khách đã chọn cách ở lại tàu do ngại di chuyển xa và họ lại may mắn với quyết định này. Bởi hành trình từ trong cảng tới TP.HCM là một quãng đường không dài nhưng đầy gian nan. Đầu tiên là đoạn đường từ cảng ra QL51, do chưa hoàn thành nên ổ voi, ổ trâu chằng chịt, có những khúc đường lầy lội do mưa từ mấy ngày trước đó. Chưa kể, QL51 đường rất xấu, xe cộ đông đúc, nên di chuyển chậm chạp. Ra tới xa lộ Hà Nội thì lại càng khủng khiếp hơn. Đoạn đường từ Suối Tiên về trung tâm TP xe chạy như "bò" trên đường. Tính cả đi và về, khách mất cả thảy 6 giờ ngồi trên xe. Thời gian tham quan TP.HCM bị rút ngắn xuống chỉ còn hơn 2 giờ để kịp quay lại tàu. Với 2 giờ đó, khách không có đủ thời gian vừa tham quan vừa mua sắm.

Nhưng nghiệp dư hơn là việc kinh doanh du lịch qua các gian hàng bán đồ cho khách tàu biển. Thường khi du thuyền cập các cảng trong nước, người ta tổ chức các gian hàng bán đồ cho du khách một cách tạm bợ ở gần tàu. Cảnh bán hàng cho du khách tàu Voyager of the Seas cũng tương tự. Những tấm bạt được giăng lên, nóng bức như chợ trời của các khu dân cư nghèo trong TP. Gian hàng đầu tiên bán quần áo thể thao của các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, treo lên dây. Còn trên bàn, các loại hàng hiệu khác, chất đống, người bán thì trùm khăn che mặt. Không cần hỏi, chỉ dựa vào giá cả và cách trưng bày cùng phong cách người bán hàng, cũng biết các loại hàng hiệu này thật hay giả. Khi chúng tôi chụp hình, người bán xua tay lớn tiếng nói không được phép. Gian kế tiếp bán tranh sơn mài giá rẻ, xếp lớp dưới đất. Một gian khác bán các sản phẩm lưu niệm, trưng bày rất đơn điệu...

Du lịch nghiệp dư
Đón khách tàu biển 5 sao Voyager of the Seas bằng những gian hàng trông nhếch nhác như thế này  - Ảnh: D.Đ.Minh

Thiếu đầu tư

Theo các công ty du lịch, ngành du lịch nên chủ trì tổ chức đấu thầu cho những doanh nghiệp uy tín làm gian hàng mỗi khi tàu đến. Sản phẩm phải mang hình ảnh đặc thù của Việt Nam, chứ không phải hàng giả, hàng nhái. Quan trọng là phải sắp xếp, trưng bày và người bán chuyên nghiệp. Chứ như hiện nay, không chỉ chúng ta không thu được bao nhiêu tiền từ du khách, mà chưa góp phần nâng cao hình ảnh của du lịch Việt Nam.

 

Thiếu trọng điểm

Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, tính nghiệp dư của du lịch Việt Nam còn thể hiện ở các chương trình tiếp thị, quảng bá, khi dàn trải ở nhiều thị trường khác nhau mà không tập trung vào một vài thị trường trọng điểm. Chẳng hạn, năm nay những thị trường xa sụt giảm khách chủ yếu do khách tiết kiệm chi tiêu cho tiền vé máy bay, nhưng ngành du lịch vẫn tiếp tục quảng bá, tham gia hội chợ ở các thị trường này. Trong khi thị trường gần của khu vực thì lại bỏ ngỏ, dù tăng trưởng mạnh”.

Ông Phan Xuân Anh, giám đốc một công ty du lịch tàu biển, cho biết: Đến Việt Nam, khách hầu như không biết mua gì vì sản phẩm du lịch của ta nghèo nàn. Các nước trong khu vực đầu tư mạnh vào sản phẩm du lịch, để lấy doanh thu từ đây bù đắp cho việc hạ giá đầu vào như vé máy bay, giá phòng khách sạn, vận chuyển... Ở một cửa hàng bán lụa tại Campuchia, du khách và đối tác nước ngoài đòi hỏi phải đưa vào chương trình tham quan. Điều này có vẻ trái ngược với ở ta, khách nghe vào cửa hàng là khó chịu.

“May đo quần áo cho du khách của Việt Nam rất nổi tiếng. Nhưng chưa có doanh nghiệp nào làm như cách của doanh nghiệp Hồng Kông. Họ lên du thuyền từ Singapore, đặt gian hàng và lấy số đo của khách có nhu cầu, gửi thông tin về nhà may. Khi khách đến Hồng Kông thì sẽ có ngay đồ để thử, rồi điều chỉnh lại cho tới chiều thì sẽ hoàn tất sản phẩm. Việt Nam không thiếu sản phẩm để xây dựng thành các sản phẩm du lịch, nhưng không có bất kỳ một nghiên cứu nào về vấn đề này để gia tăng doanh thu cho ngành”, ông Anh nói thêm.

Ông Phạm Xuân Du, Giám đốc Công ty du lịch Xuân Nam, kể: Hồi đầu năm, nhóm gia đình khách Đức mua tour tham quan vịnh Hạ Long và có bao trọn gói một du thuyền ngủ đêm trên vịnh. Khách yêu cầu tàu phải mới, nên ông chọn một chiếc tàu vừa đưa vào khai thác khoảng 2 năm nay, có giá hơn 1.000 USD/đêm. Thế nhưng, sau khi ở trên tàu, gia đình vị khách này phản ứng quyết liệt, bảo rằng chiếc tàu nói trên phải sử dụng ít nhất là 20 năm rồi và đòi bồi thường, nếu không sẽ kiện. Hóa ra, các tàu du lịch trên vịnh sau một thời gian ngắn buộc phải sơn trắng đã nhanh chóng xỉn màu do tiếp xúc nhiều với nước muối và mưa gió. Những chỗ đóng đinh, vì là tàu gỗ, nên gỉ sét trông xấu xí, cũ kỹ như đã qua sử dụng vài chục năm. Công ty của ông phải mất thời gian tập hợp hồ sơ chứng minh chiếc tàu kia là mới nhưng cuối cùng, để làm vừa lòng khách, công ty cũng phải chấp nhận bồi thường. “Ở các nước châu u, khí hậu và chất liệu tàu khác ở ta nên họ mới sơn màu trắng. Còn ở vịnh Hạ Long, các tàu hiện nay không còn màu trắng “đồng phục” nữa mà là đủ thứ màu khác nhau. Trước khi quyết định chuyện gì, cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu kỹ càng, chứ như quyết định sơn trắng tàu ở vịnh Hạ Long vội vàng là rất nghiệp dư”, ông Du bức xúc.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.