Du lịch lo mất thị trường

24/11/2015 06:19 GMT+7

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho phép các nước trong khối mở cửa hoàn toàn thị trường du khách của nhau kể từ năm 2018.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho phép các nước trong khối mở cửa hoàn toàn thị trường du khách của nhau kể từ năm 2018.

Doanh nghiệp du lịch Việt tự tổ chức hội chợ tìm kiếm nguồn khách - Ảnh: N.T.TDoanh nghiệp du lịch Việt tự tổ chức hội chợ tìm kiếm nguồn khách - Ảnh: N.T.T
Không còn cần đối tác trong nước
Theo đó, doanh nghiệp (DN) du lịch nước ngoài có thể khai thác thị trường khách VN đưa đi nước ngoài (outbound) hoặc tự tổ chức cho khách nước ngoài vào du lịch ở VN mà không cần đối tác trong nước. Đây là thách thức rất lớn cho ngành du lịch, khi các công ty VN đa phần vừa và nhỏ, còn những DN của Nhật, Mỹ, Úc… đều hoạt động ở quy mô đa quốc gia. Thực ra, từ nhiều năm nay, DN du lịch các nước này đã “cắm rễ” ở thị trường VN thông qua liên doanh hoặc dưới danh nghĩa của công ty trong nước. Một khi TPP được thực thi, họ sẽ hợp thức hóa và bung hoạt động ra mạnh hơn.
Vì thế, tham gia TPP buộc DN du lịch trong nước phải chủ động giữ thị trường khách Việt và tăng cường năng lực thu hút khách ngoại, nếu không muốn trắng tay. Hiện nay, thay vì chờ những sự kiện quảng bá chung của ngành du lịch, Vietravel thuê mặt bằng hàng trăm mét vuông ở khu vực bao quanh sân Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (Q.3) để tổ chức hội chợ lữ hành. Chỉ trong hai ngày, số lượng tour bán ra quy đổi thành tiền lên đến 18 tỉ đồng. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, lý giải: “Chúng tôi tự tổ chức hội chợ vì không muốn ở thế bị động chờ khách tới văn phòng công ty”.
Cũng không bị động chờ khách, nhiều công ty lữ hành đang tập trung quảng bá để lôi kéo khách trong và ngoài nước đến với sản phẩm của mình. Bà Trần Bảo Thu, đại diện Công ty du lịch Fiditour, cho biết: “Trang mạng của chúng tôi giống một hội chợ với đầy đủ các mặt hàng liên quan đến du lịch, luôn được cập nhật và thông tin về tour tuyến mới nhất. Việc tăng cường bán tour trực tuyến không chỉ giúp khách tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, mà còn giúp công ty tiết giảm chi phí hoạt động, qua đó giảm được giá tour cho du khách”.
Đối với thị trường khách nước ngoài vào VN (inbound), cuộc chiến có phần cam go hơn. Bởi theo ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty du ngoạn Việt (chuyên đón khách tàu biển quốc tế), khách inbound không giống như khách trong nước, vì các DN VN không chủ động được nguồn khách mà phải phụ thuộc vào đối tác. “Nhiều công ty lữ hành đa quốc gia đang giành thị phần ở VN bằng chiêu hạ giá. Chúng tôi buộc phải giảm giá tour theo họ để giữ thị trường, giữ đối tác và giữ khách. Nếu các DN du lịch VN không tập trung vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ, năng lực phục vụ, đổi mới sản phẩm thì sẽ nhanh chóng đánh mất thị trường inbound vào tay DN nước ngoài”, ông Anh cảnh báo.
Tổ chức lại thị trường
Tham gia vào TPP, ông Kỳ cho rằng các DN du lịch VN sẽ không còn cạnh tranh với nhau nữa, mà cạnh tranh với các đối thủ khổng lồ nước ngoài ngay tại thị trường VN. “Những đối thủ này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn và thách thức. Chỉ nghĩ đến các hãng du lịch lớn này đặt chân vào VN là đã lo, vì có công ty số lượng máy bay còn nhiều hơn máy bay của Vietnam Airlines. Họ đang dòm ngó thị trường VN. Câu chuyện đặt ra là chúng ta cần phải tổ chức lại thị trường du lịch trước năm 2018, thời điểm TPP có hiệu lực”, ông Kỳ nhấn mạnh.
“Khi tham gia vào TPP và Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (ACE), các tập đoàn du lịch lớn của nước ngoài vào VN và với kinh nghiệm kinh doanh qua mạng, họ sẽ nhanh chóng khai thác triệt để lĩnh vực này và dễ dàng nắm được thị trường người tiêu dùng. Vì thế, các công ty du lịch VN không nên quá tập trung vào kinh doanh trực tiếp mà bỏ quên trực tuyến”, bà Thu nói.
Chuyên gia du lịch Huỳnh Văn Sơn cho rằng, giai đoạn hội nhập không phải là thời đóng cửa thị trường để bảo hộ mà phải cạnh tranh bằng chính năng lực của mình. Trong du lịch, cạnh tranh đó phải xuất phát từ dịch vụ chất lượng và giá cả. “Chắc chắn ban đầu vào VN, họ sẽ đi bước đầu tiên bằng việc lấy thị trường inbound để lo cho khách của họ vào VN, sau đó sẽ tiếp cận outbound để đưa khách đến nước họ. Vì thế, các DN Việt phải nắm được thị trường trong nước”, ông Sơn phân tích.
“Chính sách của nhà nước cũng cần hỗ trợ cho DN du lịch, nhằm tạo ra các DN lớn làm đối trọng với nước ngoài vì du lịch đã được xác định là ngành công nghiệp mũi nhọn. Ngoài ra, VN cũng cần mở những văn phòng đại diện du lịch ở các nước trong khối TPP để điều phối thị trường. Giúp DN VN vươn tay vào chính thị trường của các nước để lấy khách quốc tế chứ không chỉ lo giữ thị trường khách Việt của mình”, ông Sơn nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.