Du khách bị buộc đi... ngủ sớm - Kỳ 2: Nhớn nhác ở phố cổ Hà Nội

22/08/2015 08:37 GMT+7

Gần 12 giờ đêm, giờ “giới nghiêm”, các phường ở phố cổ Hà Nội sẽ có lực lượng công an nhắc khách về.

Gần 12 giờ đêm, giờ “giới nghiêm”, các phường ở phố cổ Hà Nội sẽ có lực lượng công an nhắc khách về.
 
Du khách ăn đêm ở phố cổ Hà Nội - Ảnh: Ngọc ThắngDu khách ăn đêm ở phố cổ Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng
Ông Đoàn Kỳ Thanh, sáng lập viên của “khu ăn chơi” Zone 9, cho biết cứ đến nửa đêm lên phố cổ sẽ biết khách du lịch nước ngoài nhớn nhác ra sao. “Họ chả biết đi đâu. Nửa đêm lên phố cổ thì lúc nào cũng gặp cảnh đó. Họ đành phải đi chỗ khác, đi ra ngoại ô, các quán vùng sâu vùng xa hơn. Chỗ xa hơn thì vẫn có. Còn nếu không cũng chỉ đi bộ loanh quanh rồi về khách sạn”, ông Thanh nói.
“Chẳng có chút giá trị nào cho bạn”
Trên diễn đàn về du lịch lớn hàng đầu thế giới, một du khách người Hàn Quốc nhờ những du khách khác đang ở Hà Nội tư vấn trong 12 giờ quá cảnh ở Hà Nội, chị có chơi được gì trong phố cổ vào ban đêm. Một người nước ngoài vào khuyên: “Vào phố cổ Hà Nội ban đêm ư? Chừng 10 giờ tối, hầu hết các nhà hàng và quán cà phê đều đóng cửa. Những cửa hàng còn đóng cửa sớm hơn. Chẳng có chút giá trị nào cho bạn vào thăm phố cổ ban đêm vì chả có gì để coi và làm. Người địa phương đều đã đi ngủ sớm, đường phố vắng vẻ...”.
Anh Vinh, một du khách ở TP.HCM mới đây ra Hà Nội chơi, kể lúc đang ăn uống đêm ở vỉa hè phố cổ thì tới giờ “giới nghiêm”, nên chủ quán đề nghị tất cả khách vào bên trong nhà ngồi, rồi kéo cửa sắt lại. Chơi được một lát thì anh và bạn bè kết thúc bữa ăn, vì cảm thấy quá ngột ngạt. “Cả nhóm ra hồ Trúc Bạch, vào một quán bar. Ngồi một hồi thì công an đến, vào tận bên trong bắt chủ quán đóng cửa và đề nghị khách ra về. Thời điểm đó chỉ mới 12 giờ khuya”, anh Vinh nói.
Hướng dẫn viên phải nói dối
Bà Dương Mai Lan, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ lữ hành Thuận An Ascend Travel, cho biết trong những hoàn cảnh như vậy, hướng dẫn viên là người khó xử nhất. Họ thường giải thích theo hướng đổ hết cho phong tục tập quán. Họ phải lựa để nói theo ý nghĩa tích cực, chúng tôi cần môi trường yên tĩnh cho người dân đi vào giấc ngủ. “Phải giải thích với họ các khu giải trí thường nằm xen kẽ với khu người dân sinh sống. Vì thế không thể có các hoạt động giải trí quá muộn. Cũng không nói là các bạn phải đi ngủ sớm mà nói là chương trình của chúng tôi như thế này và mỗi nơi đều có phong tục riêng, mọi sinh hoạt đều phải trước 12 giờ”, bà Mai Lan nói.
“Chúng tôi vẫn thường phải thông báo cho khách du lịch biết ngay từ đầu chuyến đi họ sẽ có một lịch trình như thế nào. Nói ngay từ đầu hành trình để tránh cái cơn thèm đi chơi đang lên thì bị dội một gáo nước lạnh. Phản ứng của họ thường là ngạc nhiên và coi đó như một điều gì đó rất lạc hậu. Cảm nhận của họ là tại làm sao giờ đó đã bắt người ta đi ngủ rồi, đi ngủ sớm như trẻ con”, bà Lan nói thêm.
Một số chuyên gia cho rằng nên đưa phố Tạ Hiện thành một điểm để du khách vui chơi 24/24. Về điều này, Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết “đang nghiên cứu”. “Còn phải cân đối đời sống của người dân nữa. Còn người già và trẻ em nữa chứ có phải mỗi thanh niên đâu. Đúng là nhu cầu của khách du lịch cũng có, họ thích. Tạ Hiện thành phố đi bộ cũng mới chỉ thử nghiệm có mấy tháng. Dân thì có thêm việc làm, thêm nguồn thu nhưng vẫn phải vừa làm vừa nghe ngóng. Hiện nay cũng không dám mở muộn, vẫn theo luật định thôi”, ông Nguyễn Tuấn Long, Trưởng ban quản lý phố cổ Hà Nội, nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, khẳng định: “Nếu Hà Nội muốn có những khu phục vụ khách du lịch sau 12 giờ đêm, tôi nhất trí về chủ trương. Tuy nhiên, phải có điều kiện và quản lý được, không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân”.
Vừa uống được cốc bia thì bị mời về
Ông H., chủ một quán bar ở phố cổ Hà Nội, rất bức xúc khi được hỏi về “giờ giới nghiêm”. Ông cho biết chỉ độ 11-12 giờ kém thì xe của phường đã đứng ở trước cửa các quán để nhắc khách ra về. “Khách thường tới quán lúc độ 10 giờ tối, mới uống được cốc bia, nhún nhảy được tí thì đã có công an nhắc đi về. Khách bực và ngạc nhiên vô cùng. Xe của phường đi một vòng các điểm, phường nào chịu trách nhiệm phường đó. Xe dừng trước cửa quán rồi loa vọng vào. Khách vẫn chưa chịu ra thì họ vào tận quán nhắc khách tính tiền, đóng cửa đi về”, ông nói và cho biết thêm: "Cứ tưởng tượng khách đang ngồi mà có độ 5 ông mặc sắc phục vào thì khách nước ngoài họ sẽ thấy rất bất an. Càng dịp lễ thì càng làm chặt hơn. Thậm chí còn bê cả xe lên ô tô về phường, mời khách về phường. Mời khách về cũng chỉ kiểm tra hành chính thôi nhưng như thế thì hút khách du lịch làm sao được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.