Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 20 thế giới?!

09/02/2017 09:00 GMT+7

Theo báo cáo "Tầm nhìn dài hạn: Trật tự kinh tế toàn cầu sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050?" của PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố hôm qua, đến năm 2050, GDP của VN sẽ đứng thứ 20 của thế giới tính theo sức mua tương đương (purchasing power parity - PPP) lên đến 3.176 tỉ USD.

Cũng theo cách tính trên, năm 2016, nền kinh tế VN lớn thứ 32 thế giới với PPP là 595 tỉ USD, đến 2030 sẽ đứng thứ 29 thế giới với 1.303 tỉ USD.
Bảng xếp hạng này cho thấy, VN có tốc độ tăng trưởng trung bình được dự báo là nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2016 - 2050, tương đương là 5,1% mỗi năm, theo đó thứ hạng của VN sẽ liên tục được cải thiện. Dự đoán kinh tế VN của PwC cho thấy, đến năm 2050, ở vị trí 20 của thế giới, kinh tế VN vượt mặt cả các quốc gia đã phát triển hiện nay như: Ý (21), Canada (22), Tây Ban Nha (26), Hà Lan (32)... và ở châu Á cũng qua mặt Thái Lan (xếp thứ 25), Malaysia (24)...
Chỉ nên tham khảo
Trước đó, từ năm 2007, Viện Nghiên cứu kinh tế LG của Hàn Quốc cũng từng dự báo đến năm 2020, nền kinh tế VN có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan và Indonesia. Báo cáo của PwC cho thấy, các thị trường mới nổi sẽ soán ngôi chiếm nhiều vị trí trong top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050. Chẳng hạn, Trung Quốc sẽ vượt xa Mỹ để trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất thế gới. Kế đó là Ấn Độ, Mexico, Brazil... Tuy nhiên, kết quả của báo cáo này lại khiến nhiều chuyên gia băn khoăn.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, trước đây cũng có một số tổ chức quốc tế đánh giá xếp hạng VN ở mức khá lạc quan đối với nền kinh tế. Chúng ta trân trọng các báo cáo xếp hạng của các tổ chức nước ngoài nhưng cũng không nên quá lạc quan với những kết quả nêu ra khi trong bảng báo cáo lần này, đến năm 2050, nền kinh tế VN vượt qua các nước như Ý, Thái Lan... Nền kinh tế của các nước trên thế giới hiện đang có những thay đổi nhanh chóng. Để có được những thứ hạng này, VN cần cải cách một cách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, năng suất lao động...
TS Lê Đăng Doanh cho hay: “Kinh tế VN hiện đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, nếu không có những cải cách mạnh mẽ thì tôi nghĩ tình hình diễn biến sẽ phức tạp hơn. Cụ thể như mất cân đối ngân sách, mất cân bằng chiến lược, nợ công, công trình kém hiệu quả ...”.
Còn chuyên gia Bùi Trinh, sau khi nghe kết quả của bảng báo cáo này lại có nhận xét: “Thông tin dự báo VN tăng hạng từ mức 32 của năm 2016 lên 29 vào năm 2030 và đứng ở hạng 20 vào năm 2050, tôi nghĩ chúng ta cũng không nên vui hay buồn. Khi dùng GDP phản ánh vấn đề trong ngắn hạn mà mang ra dự báo dài hạn đến năm 2050 là khó hiểu và không nên. Các báo cáo xếp hạng chỉ dùng tham khảo chứ đánh giá một nền kinh tế dài hạn cần nhìn vào tiềm năng phát triển của nền kinh tế đó. Chúng ta không cần quan tâm nền kinh tế đang đứng thứ mấy mà điều chúng ta cần là nền kinh tế đã có những giải pháp về bội chi ngân sách, nợ công, có nền công nghiệp phụ trợ chưa...”.
Thời gian dự báo quá dài
Tuy nhiên, tỏ ra quan tâm một cách đầy “băn khoăn”, chuyên gia tư vấn chiến lược, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn Robenny (Canada), phụ trách thị trường châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ, Robert Trần nói ngay, khoảng thời gian khảo sát quá kéo dài trong khi nhiều quốc gia trong khảo sát này thuộc nền kinh tế mới nổi, thay đổi thường xuyên. “Thông thường, khảo sát thị trường phải theo tính chất của thị trường đó có thể chính xác hơn, chứ khảo sát thị trường đã phát triển với thị trường mới nổi nhập vào nhau rất khó chính xác. Như kiểu táo phải theo táo, đào theo đào, chứ trộn lẫn táo với đào để cho ra kết quả thì không nên. Lý do, thị trường đã phát triển rồi thì rất ít bị tác động bởi những gì thế giới xảy ra. Ngược lại, thị trường mới nổi hay còn gọi là đang phát triển sẽ bị tác động rất lớn và thay đổi rất nhanh. Khảo sát này không sai nhưng chưa ổn do sự so sánh giữa các nền kinh tế chưa tương thích”, ông Robert Trần nói và cho rằng, ngay cả so sánh giữa Canada và VN. Ông Robert Trần lớn lên ở Canada, rời quốc gia này đã 20 năm và từng làm việc tại nhiều nước. “Xa Canada 3 năm, quay trở về tôi vẫn thấy không có gì thay đổi, nhưng xa VN 3 tháng, quay lại VN thấy rất nhiều điều mới mẻ. Sức sống của một thị trường mới nổi giúp ta cập nhật và đào thải rất nhanh nhiều thứ”, ông Robert Trần chia sẻ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) bổ sung: “Tôi quan tâm đến dự báo 2018 chứ đến năm 2030, 2050 thì lâu quá và rất khó để đưa ra dự báo”.
Liên quan đến cấu trúc và chất lượng các con số, theo TS Thành, chính khảo sát “trộn lẫn” giữa hai nền kinh tế khác nhau nên khó đoán. Thực tế, chất lượng đời sống, chất lượng nền kinh tế nông nghiệp hay nền kinh tế công nghiệp cao là rất khác nhau. “Tính chất tinh vi, chất lượng của nền kinh tế rất quan trọng, nó bao gồm tình trạng ô nhiễm, tiêu dùng năng lượng ra sao. Nếu vậy, Ý hay Canada khác VN và Thái Lan một trời một vực. Theo tôi, đánh giá một số liệu chính xác, phải liên quan nhiều yếu tố, quốc gia đó có lượng dân số thế nào, sử dụng nguồn nhiên liện sạch, cấu trúc dân trí ra sao. Chẳng hạn, đến năm 2050 quốc gia có 150 triệu dân mà một nửa số đó vẫn trong đói khổ thì xếp hạng này có ý nghĩa gì đâu”, TS Thành chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Robert Trần cũng góp ý muốn khảo sát một thị trường mới nổi, không nên có dự báo trong thời gian quá dài như vậy. Ngoài ra, cả ông Thành và ông Robert Trần đều tỏ ra nghi ngại khi hơn 30 năm nữa VN lại có thể vượt mặt Thái Lan và Malaysia về kinh tế. “Dựa trên giả thuyết tuyến tính, hiện tại Thái Lan và Malaysia phát triển trước VN khoảng 25 năm, họ cũng đang trong giai đoạn đang phát triển, rất khó để cho rằng, hơn 30 năm nữa, chúng ta vượt họ được. Họ đâu có ngồi yên đó để chờ chúng ta vượt mặt. Đúng không?”, TS Thành nói. Còn ông Robert Trần cũng cho rằng không phải không có khả năng sẽ vượt mặt Thái Lan, Malaysia, nhưng khả năng đó vô cùng thấp nếu như nói là không thể xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.