Dự án Nhổn - ga Hà Nội bị đòi bồi thường 81 triệu USD

Mai Hà
Mai Hà
05/04/2019 06:46 GMT+7

Từng có tiền lệ đền bù cho nhà thầu ngoại vì chậm giải phóng mặt bằng tại dự án cầu Nhật Tân, thêm một lần nữa dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đứng trước nguy cơ phải bồi thường vì lý do tương tự.

Vì sao nhà thầu đòi bồi thường 81 triệu USD ?

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội khởi công tháng 9.2010, dự kiến hoàn thành tháng 9.2016. Sau nhiều lần lùi tiến độ, năm 2018 dự án được chấp thuận điều chỉnh hoàn thành vào năm 2020 (với đoạn trên cao Nhổn - công viên Thủ Lệ) và năm 2022 (với đoạn đi ngầm công viên Thủ Lệ - ga Hà Nội). Tổng vốn đầu tư cũng được điều chỉnh tăng thêm 400 triệu euro, từ 783 triệu euro, lên 1.176 triệu euro, trong đó 80% vốn vay từ Chính phủ Pháp và ADB, 20% vốn đối ứng phía VN. Toàn tuyến có chiều dài chính 12,5 km, trong đó 8,5 km đoạn đi trên cao, 4 km đi ngầm.
Gói thầu bị liên danh nhà thầu Hyundai E&C (Hàn Quốc) và Ghella (Ý) S.p.A yêu cầu bồi thường là gói CP3, gồm các ga S9, S10, S11, S12 đi ngầm từ công viên Thủ Lệ về ga Hà Nội.
Theo kế hoạch, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị (MRB) phải bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công chậm nhất tới 30.9.2018. Nhưng đến hết quý 1/2019, liên danh nhà thầu mới nhận mặt bằng tại ga S9, một phần ga S10, hai ga S11 và S12 chưa được bàn giao mặt bằng. Báo cáo tiến độ của MRB cho biết, tiến độ thi công gói thầu CP3 (dự kiến 2022 hoàn thành) mới đạt hơn 3,4%, thấp nhất trong các gói thầu. Hiện gói thầu này đang triển khai tại 3/5 công trường gồm: dốc hạ ngầm, ga S9 và ga S10.
Liên danh nhà thầu đã có văn bản gửi đến MRB và UBND TP.Hà Nội đòi bồi thường 81 triệu USD với lý do dự án chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng thi công và dẫn đến nhiều khoản kinh phí phát sinh.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban MRB, xác nhận tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) để thi công các ga ngầm từ công viên Thủ Lệ đến ga Hà Nội đang chậm. Tuy nhiên, theo ông Minh, khoản bồi thường 81 triệu USD mới là số liệu nhà thầu tự tính toán cung cấp, chưa được các đơn vị tư vấn giám sát Systra, tư vấn quản lý hợp đồng thẩm định, đánh giá.
Lãnh đạo MRB cũng cho rằng, theo quy định của hợp đồng sẽ có 3 bước để giải quyết các phát sinh, cụ thể bước 1 là hai bên trao đổi trên tinh thần hòa giải, hữu nghị xem xét các vấn đề mâu thuẫn, bước 2 đưa ra ban hòa giải và bước 3 mới đưa ra trọng tài quốc tế. “Chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu phải rà soát, giải trình rõ sai khác so với hợp đồng gốc ban đầu, trách nhiệm các bên cũng như các chứng cứ liên quan, xác định giá trị tổn thất theo đúng các quy định của VN. Hiện nay 2 bên đang ở bước 1 trao đổi ở cấp độ hòa giải, theo quy định thời gian trao đổi trong 84 ngày”, ông Minh nói.

Nhà thầu nhiều lần đòi bồi thường

Trong Kết luận thanh tra 506/KL-TTCP năm 2018 về việc thanh tra theo đơn tố cáo với dự án Nhổn - ga Hà Nội cho thấy nhiều vấn đề liên quan đến gói thầu tư vấn Systra và gói thầu CP03. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho rằng, MRB và liên danh Hyundai - Ghella ký hợp đồng thi công hầm và các ga ngầm tháng 10.2015 khi chưa có mặt bằng, đã dẫn đến việc nhà thầu yêu cầu phải bổ sung chi phí, nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Tháng 9.2016, cho rằng mặt bằng không được bàn giao đúng kế hoạch dẫn đến làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến kế hoạch thi công của nhà thầu, liên danh Hyundai E&C - Ghella S.p.A khi đó đã tính toán “chi phí điều chỉnh thời gian hoàn tất” được điều chỉnh với giá trị 84.600 USD/ngày nhân với
10 tháng, tương ứng 25,6 triệu USD. Chi phí bổ sung do trùng lặp giữa thứ tự các công trình và giai đoạn di dời công trình hạ tầng kỹ thuật tạm tính là hơn 8.500 USD/ngày nhân với 438 ngày (4 ga tàu) bằng 3,7 triệu USD. Khoản chi phí chậm trễ do phải dời ngày thi công tổng cộng 180 ngày được tính 46.500 USD/ngày, tương ứng 11 triệu USD. Tổng mức phí bổ sung do chậm bàn giao mặt bằng thi công lên tới hơn 40 triệu USD.
Tại thời điểm thanh tra (5.2017), MRB vẫn chưa bàn giao hết mặt bằng cho nhà thầu thi công gói CP03. Và tới nay sau gần 2 năm, tháng 4.2019, mặt bằng gói CP3 vẫn chưa được bàn giao hết. Thừa nhận nhà thầu đã nhiều lần đòi bồi thường, đại diện MRB cho biết mức tiền phát sinh tăng theo thời gian mặt bằng chưa được bàn giao. “Tư vấn giám sát và chủ đầu tư đã có văn bản từ chối toàn bộ giá trị 40 triệu USD đòi bồi thường của nhà thầu”, ông Minh nói.

“Bài học 155 tỉ” cầu Nhật Tân

Không chỉ Nhổn - ga Hà Nội, GPMB chậm là “căn bệnh” trầm kha của rất nhiều dự án giao thông và nhiều dự án đã từng phải trả giá. Năm 2013, nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) thi công gói thầu số 3 dự án cầu Nhật Tân đã yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh thực tế do chậm trễ bàn giao mặt bằng (27 tháng) gần 200 tỉ đồng. Sau rất nhiều lần thương thảo với sự hòa giải của JICA và Bộ GTVT, khoản chi phí này sau đó đã được tính toán lại là 155,9 tỉ đồng, được đưa vào phụ lục hợp đồng như khoản bổ sung phát sinh.
Đây là bài học xương máu mà những người trong Ban Quản lý dự án cầu Nhật Tân (Ban 85) thuộc Bộ GTVT tới nay vẫn không muốn nhắc lại. Nguyên nhân mấu chốt dẫn đến điều này vẫn là GPMB chậm tiến độ. Khoản tiền hơn 155 tỉ đồng sau đó đã lấy từ vốn dư của dự án từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản. Đáng nói, trách nhiệm liên quan đến việc bồi thường sau đó đã “chìm xuồng” khi không có cá nhân, tổ chức nào bị kiểm điểm công khai.
Theo GS-TS Bùi Văn Cậy, Khoa Công trình, ĐH GTVT, với lỗi chậm GPMB, chủ đầu tư thường phải chấp nhận hỗ trợ cho nhà thầu như một khoản phát sinh dự án. Kết quả với nhà thầu yếu kém nhiều khi chủ đầu tư không dám mạnh tay xử lý vì chính chủ đầu tư mắc lỗi chậm bàn giao mặt bằng.
“Trách nhiệm GPMB đã được bàn giao cho UBND tỉnh, TP thực hiện, nhưng chưa có văn bản nào quy định nếu địa phương không hoàn thành tiến độ bàn giao mặt bằng thì chịu trách nhiệm ra sao, ai chịu trách nhiệm nếu phát sinh chi phí cho nhà thầu do mặt bằng chậm. Tiền từ vốn dư, vốn dự phòng hay vốn vay suy cho cùng cũng phải lấy từ tiền thuế đóng góp của nhân dân để chi trả”, GS-TS Cậy nhấn mạnh.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.