Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lại gặp khó

03/03/2020 07:38 GMT+7

Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết tiến độ thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lại gặp một số khó khăn.

Ngày 2.3, ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết tiến độ thi công dự án (DA) cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang gặp một số khó khăn, vướng mắc mà chủ đầu tư không thể tự giải quyết.
Từ nay đến hết tháng 4 (thời điểm mùa khô), toàn tuyến của DA ưu tiên cho công tác tập trung nguyên vật liệu để phòng cho việc tập kết khó khăn. Tuy nhiên, việc chính quyền ngăn tạm các cống đập để phòng chống xâm nhập mặn khiến nguyên vật liệu bị các nhà cung cấp “hét giá” trong bối cảnh vốn tín dụng chưa được giải ngân.
Nghiêm trọng hơn là hợp đồng giữa chủ đầu tư và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) sẽ không còn hiệu lực nếu các vấn đề vướng mắc không giải quyết để giải ngân trước ngày 16.3 tới. Trong khi đó, để ký kết được hợp đồng có giá trị khoảng 50% trong tổng vốn đầu tư DA này, doanh nghiệp phải mất hơn 6 tháng để đàm phán và ký kết hợp đồng tín dụng với phía đơn vị ngân hàng đầu mối là VietinBank.
Cùng ngày, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cho biết ngày 4.3 tới, lãnh đạo tỉnh sẽ có buổi làm việc với đại diện các ngân hàng cấp tín dụng cho DA. Riêng về vấn đề tăng giá nguyên vật liệu xây dựng công trình, UBND tỉnh Tiền Giang luôn sẵn sàng xem xét có hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thậm chí sẽ xem xét tăng vốn DA và trình phương án cụ thể lên Thủ tướng nếu các vấn đề liên quan việc tăng vốn là đúng thực tế khách quan.

* Bộ GTVT đề xuất đầu tư thêm 11 dự án đường cao tốc Bắc - Nam

Bộ GTVT vừa đề xuất triển khai tiếp 11 DA cao tốc trên tuyến Bắc - Nam trong dự thảo danh mục các DA nhóm A, dự kiến chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, với tổng chiều dài khoảng hơn 820 km, tổng mức đầu tư khoảng 105.035 tỉ đồng.
Cụ thể, Ban Quản lý DA (QLDA) Thăng Long đã được Bộ GTVT giao nhiệm vụ chủ đầu tư để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của 2 DA cao tốc, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi (34 km, tổng mức đầu tư 4.549 tỉ đồng) và Hàm Nghi - Vũng Áng (53,4 km, tổng mức đầu tư 5.162 tỉ đồng).
Ban QLDA6 được giao 2 DA Vũng Áng - Bùng (54 km, tổng mức đầu tư 9.554 tỉ đồng) và Bùng - Vạn Ninh (60 km, tổng mức đầu tư 8.758 tỉ đồng). Ban QLDA đường Hồ Chí Minh được giao 2 DA Vạn Ninh - Cam Lộ (55 km, tổng mức đầu tư 11.306 tỉ đồng) và Cam Lộ - La Sơn giai đoạn hoàn chỉnh (98 km, tổng mức đầu tư 3.500 tỉ đồng). Ban QLDA2 được Bộ GTVT giao nhiệm vụ tại 2 DA: Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (92 km, tổng mức đầu tư 14.649 tỉ đồng) và Hoài Nhơn - Quy Nhơn (78 km, tổng mức đầu tư 12.420 tỉ đồng).
Ban QLDA85 được giao 2 DA Quy Nhơn - Tuy Hòa (100 km, tổng mức đầu tư 15.923 tỉ đồng) và Tuy Hòa - Vân Phong (44 km, tổng mức đầu tư 7.006 tỉ đồng). Ban QLDA7 được giao DA Vân Phong - Nha Trang dài 76,6 km, tổng mức đầu tư 12.205 tỉ đồng.
Trường hợp 11 DA này được thông qua chủ trương và đưa vào danh mục đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kết hợp với các DA cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (gồm 11 DA thành phần, chiều dài 654 km, tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng) đang triển khai, tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ nối liền Hà Nội đến TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.