Đột phá sản xuất lúa gạo bằng mở rộng hạn điền

16/03/2017 07:24 GMT+7

Ngày 15.3, tại An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị 'Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL' với sự tham dự của các bộ ngành T.Ư cùng đại diện lãnh đạo 13 tỉnh thành khu vực ĐBSCL.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, từ năm 1995 - 2015, diện tích gieo trồng lúa tại ĐBSCL từ 3,2 triệu ha tăng lên 4,3 triệu ha, năng suất lúa tăng từ 4,02 tấn/ha lên 5,96 tấn/ha, sản lượng lúa từ 12,8 triệu tấn tăng lên 25,7 triệu tấn, chiếm xấp xỉ 60% tổng sản lượng và cung cấp đến 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, hiệu quả chuỗi giá trị ngành lúa gạo của VN còn thấp. Ở ĐBSCL, mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa thu được lợi nhuận 35 - 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan, 1,5 lần so với Indonesia và Philippines. Nguyên nhân là quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, cơ giới hóa khó khăn. Cụ thể, quy mô sản xuất trung bình của hộ trồng lúa trong vùng là 1 ha/hộ; có 38,4% số hộ sản xuất dưới 0,5 ha; 48,2% số hộ từ 0,5 - 2 ha và chỉ có 13,4% số hộ có diện tích trên 2 ha. Trong khi đó, các tổ chức kinh tế hợp tác còn chậm phát triển, các chính sách thúc đẩy tích tụ đất đai chậm thay đổi, chính sách dồn điền đổi thửa chưa phát huy hiệu quả và thị trường cho thuê đất nông nghiệp kém sôi động, diện tích cánh đồng lớn chỉ chiếm dưới 5% diện tích canh tác lúa…
Phải đổi mới ngành lúa gạo bằng giải pháp đột phá về chính sách, bao gồm mở rộng quy mô hạn điền, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, liên kết hộ nông dân. Tiếp tục tổ chức phát triển mô hình HTX kiểu mới để có lợi cho người trồng lúa
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Để khu vực ĐBSCL giữ vững vị trí trọng điểm của ngành lúa gạo cả nước và phát triển bền vững, Bộ NN- PTNT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành ưu tiên đầu tư cho chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời có cơ chế, chính sách xây dựng mạng lưới kỹ thuật viên cấp xã để kịp thời hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật cho nông dân. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu lúa gạo; ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho nông dân khi tham gia liên kết để dồn điền, đổi thửa.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, hiện nay người dân trồng lúa vẫn thu nhập thấp, làm 3 vụ lúa/năm mà lãi cao nhất chỉ 30 triệu đồng/ha/năm thì chỉ lấy công làm lãi. Thủ tướng nhận định, trong diễn biến tới ngành lúa gạo sẽ gặp nhiều thách thức như biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh hưởng đến năng suất lúa, sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ, lúa gạo làm ra nhiều nhưng chất lượng chưa cao, chất lượng gạo không đồng đều, gạo của VN có nhiều loại nhưng chưa có thương hiệu gạo nổi tiếng.
Đặt vấn đề tại sao lúa gạo Campuchia đi sau ta 15 năm mà ngành gạo họ phát triển mạnh hơn VN, Thủ tướng lưu ý, trước hết phải bỏ tư duy sản xuất chạy theo sản lượng, thay vào đó là sản xuất chuyên sâu, nâng cao giá trị sản phẩm. Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải đổi mới ngành lúa gạo bằng giải pháp đột phá về chính sách, bao gồm mở rộng quy mô hạn điền, hình thành các cánh đồng mẫu lớn, liên kết hộ nông dân. Tiếp tục tổ chức phát triển mô hình HTX kiểu mới để có lợi cho người trồng lúa”. Theo Thủ tướng, do diện tích sản xuất nhỏ, còn manh mún nên việc đầu tư cho cơ giới hóa nông nghiệp hay ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp khó thực hiện…
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương phối hợp xây dựng thương hiệu gạo một cách hiệu quả hơn; trong đó cần chú trọng công nghệ, giống, thị trường... Đừng để tình trạng gạo ngoại lấn sân gạo nội, chất bán đầy kệ ở các siêu thị và chợ trong nước.
Chiều 14.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến H.Thoại Sơn thăm vùng trồng lúa của Tập đoàn Lộc Trời (An Giang). Thủ tướng đánh giá cao hoạt động trong sản xuất nông nghiệp của Lộc Trời, vai trò của Lộc Trời có vị trí hết sức quan trọng đối với nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay các hộ gia đình sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp còn chủ yếu. Thủ tướng nhấn mạnh, đề xuất mở rộng hạn điền là cần thiết, mô hình nghiên cứu của Lộc Trời sẽ được nhân rộng trong cả nước, đem chuyển giao công nghệ đến nhà nông để nhà nông trở nên giàu có, chứ không chỉ lấy công làm lãi như lâu nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.