Đột phá bằng công nghệ

21/01/2020 00:00 GMT+7

Khát vọng "hóa rồng" bằng đột phá công nghệ 5G đã chính thức được triển khai với kỳ vọng lớn từ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Ghi tên trên bản đồ thế giới

Mới đây, vào giữa tháng 11.2019, tạp chí công nghệ hàng đầu thế giới Cinet đã bình chọn trò chơi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông (Việt Nam) là một trong những ứng dụng quan trọng nhất trong hơn 10 năm qua. Theo Cinet, đầu năm 2014, cái tên Nguyễn Hà Đông bỗng nhiên nổi tiếng toàn cầu nhờ Flappy Bird dù game có đồ họa khá đơn giản. Ở thời điểm đầu tháng 2.2014, game này đã thực sự trở thành một hiện tượng toàn cầu với 50 triệu lượt tải về trên 2 kho ứng dụng App Store và Google Play. Ứng dụng Việt lọt vào danh sách này bên cạnh một số cái tên như Instagram, Facebook hay Twitter, YouTube... đủ cho thấy sản phẩm công nghệ của Việt Nam đã có bước tiến quan trọng.
Gần hơn, Công ty phần mềm FPT cuối năm 2017 tuyên bố ra mắt công nghệ xe tự lái và đã thành công trong việc tích hợp ứng dụng vào ô tô. Khi đó, FPT đã trở thành một trong số ít công ty tiên phong trong lĩnh vực xe tự lái tại khu vực Đông Nam Á.
Thực tế cho thấy, xu hướng đầu tư, chuyển hướng sang công nghệ đang lan rộng ở thị trường trong nước với nhiều sản phẩm, dịch vụ ứng dụng trong công việc và đời sống. Đơn cử Tập đoàn Viettel có dịch vụ nhận diện giọng nói nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng và khai thác tiềm năng dữ liệu viễn thông mà họ đang sở hữu. Các ứng dụng của Viettel đã được một số trang tin trực tuyến sử dụng để tích hợp chức năng chuyển văn bản thành giọng nói và cũng được các cơ quan nhà nước chấp nhận để sử dụng ghi chép văn bản từ các cuộc họp. Tập đoàn VNPT có nhiều giải pháp được triển khai và ứng dụng trên thị trường như ví điện tử VNPT Pay hay giải pháp nhận diện hình ảnh giữa người thực với ảnh chứng minh nhân dân.
Dù xuất thân không phải là công ty công nghệ nhưng Tập đoàn Vingroup cũng chuyển hướng mạnh mẽ khi rót tiền đầu tư sản xuất điện thoại di động, ô tô, xây dựng một thung lũng Silicon tại Việt Nam... Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho biết sau khi nghiên cứu kỹ mô hình thung lũng Silicon của Mỹ, Vingroup quyết định thành lập Công ty phát triển công nghệ VinTech với mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái tương tự, gọi là VinTech City ở Đông Anh (Hà Nội). Đây sẽ là môi trường ban đầu hỗ trợ các ý tưởng, dự án công nghệ được phát triển và đi vào cuộc sống.
Đột phá bằng công nghệ1

Robot mô phỏng các động tác được điều khiển từ xa qua sóng 5G của Viettel

Ảnh: Tiến Lực

Tiên phong mạng 5G

Mạng 5G là hạ tầng cho kết nối vạn vật, hạ tầng quan trọng nhất của cách mạng công nghệ 4.0 bởi nếu như 2G, 3G, 4G kết nối 7 tỉ người thì 5G sẽ kết nối hàng nghìn tỉ thiết bị, truyền tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo và thay đổi cơ bản cuộc sống loài người. Hiện chưa có nhiều nước triển khai thành công mạng 5G. Ngay cả một nước phát triển như Singapore hiện cũng chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm 5G và dự kiến sẽ đưa ra chính thức trong năm 2020. Thế nhưng từ ngày 21.9.2019, Tập đoàn Viettel đã triển khai phát sóng 5G và đưa vào khai thác hạ tầng kết nối vạn vật tại TP.HCM. Theo công bố của Hiệp hội Di động thế giới, Viettel đang là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai thành công công nghệ 5G. Hiện trên thế giới mới chỉ có khoảng 10 quốc gia thương mại hóa 5G (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Úc, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy, Nga). Như vậy, với kế hoạch thương mại hóa 5G vào năm 2020, Viettel sẽ đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc triển khai 5G.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, nhận định 5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trong bản đồ viễn thông thế giới và muốn như vậy chúng ta phải đi đầu. Việc thử nghiệm từ năm 2019 và đến 2020 là sự thay đổi lớn nhất, sự thay đổi ý nghĩa nhất, và cũng là sự chuyển đổi về chất lớn nhất trong ngành công nghiệp điện tử viễn thông nước nhà. "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, mạng viễn thông Việt Nam được xây lên bởi thiết bị Việt Nam. Việt Nam cũng phải trở thành nước thứ 5 trên thế giới xuất khẩu được thiết bị viễn thông “Made in Vietnam”, bao gồm cả thiết bị mạng và đầu cuối", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tự hào.
Công ty tư vấn quản lý toàn cầu AT Kearney công bố báo cáo năm 2019 xếp Việt Nam đứng thứ 5 trên 50 quốc gia có nền tảng về dịch vụ công nghệ thông tin tốt nhất. Tương tự, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, thứ 28). Theo Báo cáo chỉ số hiệu quả đổi mới sáng tạo năm 2018, Việt Nam đã đạt kết quả trong việc tiếp cận với kiến thức khoa học, công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả.
Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, trong lĩnh vực công nghệ, nguồn vốn không quá quan trọng vì không đòi hỏi phải xây dựng các nhà máy lớn, đầu tư mặt bằng sản xuất… Chính phủ nên tạo ra các cơ hội phát triển hơn là chỉ có những chính sách ưu đãi. Chẳng hạn như rà soát dỡ bỏ những chính sách còn hạn chế, không khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới. Ví dụ câu chuyện của taxi truyền thống và taxi công nghệ phải được xem xét theo hướng cởi mở, chấp nhận cái mới hơn vì nó mang lại tiện ích cho người dân và cũng là xu hướng của công nghệ. Thậm chí có những lĩnh vực cần khuyến khích phát triển trong giai đoạn đầu và chưa nên thu thuế. Bên cạnh đó, cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) vì đây mới là nền tảng quyết định sự phát triển bền vững. Bởi nếu không chủ động về R&D thì về lâu dài có thể sẽ gặp những rủi ro khi các ứng dụng công nghệ lại phụ thuộc vào quốc gia khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.