Đột nhập lò sản xuất mũ bảo hiểm dỏm - Kỳ 2: Làm từ nhựa phế phẩm

09/04/2014 09:00 GMT+7

Nguyên liệu chính để làm mũ bảo hiểm dỏm là nhựa phế phẩm nên giá thành cực rẻ, tạo ra khoản lợi nhuận cực lớn cho các đơn vị sản xuất.

Nguyên liệu chính để làm mũ bảo hiểm dỏm là nhựa phế phẩm nên giá thành cực rẻ, tạo ra khoản lợi nhuận cực lớn cho các đơn vị sản xuất.


Lắp ráp mũ bảo hiểm hoàn toàn thủ công tại xưởng của Tiệp - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Vận chuyển kiện hàng chứa MBH dỏm về kho - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Lợi nhuận khổng lồ

 

Kiểm tra cơ sở sản xuất MBH giả 

Ngay sau bài báo Đột nhập lò sản xuất MBH dỏm đăng trên Thanh Niên sáng 8.4, chiều cùng ngày đoàn liên ngành do Cục Quản lý thị trường dẫn đầu đã kiểm tra cơ sở sản xuất MBH giả tại hẻm 86/20 ngõ Trại Cá, đường Trương Định, Q.Hoàng Mai, Hà Nội. Theo ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, kiểm tra cho thấy hai phòng trọ có diện tích 9 m2/phòng chứa đầy MBH giả, mỗi phòng hơn một chục thùng carton đựng MBH giả. Tuy nhiên, hai đối tượng như báo phản ánh đã bỏ trốn, không có mặt tại hiện trường.

M.Hà

“Buôn một lãi gấp 3, gấp 4 lần. Làm đi anh cung cấp mối hàng cho”- Nam, chủ cơ sở sản xuất gáo mũ có địa chỉ ở Q.Bình Tân (TP.HCM) nhiệt tình mồi chài khi tôi liên hệ qua điện thoại và ngỏ ý nhập hàng số lượng lớn. Nam cho biết, cơ sở của mình chuyên cung cấp gáo mũ bảo hiểm (MBH) với giá siêu rẻ, dao động từ 3.000 đồng tới 20.000 đồng/gáo mũ, tùy theo chất lượng. Mỗi ngày xưởng ép ra 500 gáo mũ với gần 30 mẫu các loại. Nếu lấy nhiều cứ để lại đơn đặt hàng, cơ sở sẵn sàng đáp ứng. "Sở dĩ gáo mũ nhập giá rẻ vì chất liệu là hàng tái chế từ nhựa phế liệu. Buôn bán lời lãi là trên hết, phải mua nguyên liệu giá rẻ nhất thì hàng làm ra mới có lãi nhiều”, Nam lý giải.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ sở của Nam là đầu nậu tương đối lớn chuyên cung cấp gáo mũ cho các xưởng lắp ráp MBH của nhiều chủ hàng ở Sài Gòn và vận chuyển ra cả Hà Nội tiêu thụ. Nguyên liệu sử dụng chính là nhựa phế phẩm từ các đồ nhựa gia dụng, vỏ ô tô, xe máy được các xưởng tái chế  thành các hạt có màu đen và xám. Ông chủ này cho biết, hạt nhựa sau khi nhập về sẽ được cho vào máy ép ra gáo mũ tùy theo từng khuôn đúc. Sợ mất mối hàng, ông chủ hứa hẹn “lấy hàng đi rồi anh chỉ mối cho mà nhập phụ kiện về lắp ráp, đảm bảo hàng giá rẻ nhất”.

Thế nhưng, theo hướng dẫn của dân buôn trong nghề, hầu hết các cơ sở lắp ráp MBH chỉ nhập gáo mũ từ Sài Gòn chuyển ra còn những phụ kiện còn lại nhập rời từ Hà Nội, Bắc Ninh để giảm chi phí. Tiếp tục bắt mối với Hùng, thợ hành nghề sửa MBH ngót chục năm ở H.Quế Võ (Bắc Ninh), chúng tôi được chỉ dẫn tường tận.  “Tính cả gáo mũ, giá thành nguyên liệu làm ra loại MBH giá rẻ nhất không quá 8.000 đồng” - Hùng cho biết. Trong đó khóa mũ giá 1.500 - 2.500 đồng tùy loại có thể mua ở cơ sở chuyên sản xuất tại Thạch Bàn (Q.Long Biên) hoặc H.Quế Võ (Bắc Ninh).

 

Nhiều nơi xử phạt nhưng trách nhiệm thì không rõ

Trong tổng số 100% MBH có dán tem CR hợp chuẩn, chỉ 28 - 40% đảm bảo chất lượng, còn lại là hàng kém chất lượng. Nguyên nhân do lực lượng thanh tra không làm quyết liệt, ra quân rầm rộ nhưng kiểm tra chỉ mang tính chất phong trào xong đâu lại vào đấy. Các cơ quan thực thi nhà nước có quyền xử phạt làm chưa đến nơi đến chốn. Có quá nhiều cơ quan có quyền xử phạt MBH dỏm nhưng trách nhiệm cụ thể là ai thì không rõ.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam

Dây quai mũ mua giá 60.000 đồng/cuộn tại làng nghề chuyên làm võng xếp ở H.Thuận Thành (Bắc Ninh) dùng được cho 50 - 60 chiếc mũ. Ngoài ra đinh tán mua 50.000 đồng/túi làm được hàng trăm MBH; vải lót giá 2.000 - 3.000 đồng/chiếc; hoa văn trang trí giá cực rẻ bán đầy chợ... Còn tem nhãn chứng nhận hợp quy muốn đến các cơ sở in hoặc đặt hàng Sài Gòn thì “bao nhiêu cũng có”.

Theo Hùng, càng sử dụng các loại phụ kiện có giá rẻ nhất và cắt giảm tối đa những bộ phận không cần thiết thì lợi nhuận càng cao.

Sau khi có đủ các bộ phận chỉ cần sắm thêm súng bắn keo nến, máy khoan lắp đinh tán, kéo, đe, búa, cuộn băng dính là đã tiến hành lắp ráp, sản xuất MBH được. Hùng cũng tiết lộ, trừ hết chi phí, mỗi MBH dỏm cho lãi gấp đôi, từ 10.000 - 30.000 đồng/mũ. Qua nhiều mối hàng khi tới tay người tiêu dùng, các loại MBH dỏm tiếp tục đội giá lên.

Nhanh hỏng để họ "tiếp tục nuôi mình"

Do lợi nhuận lớn từ việc buôn bán MBH dỏm nên chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội đã có hơn chục “đầu nậu” chuyên cung cấp hàng. Còn “đội quân” bán dạo lên đến cả hàng trăm người. Vì thế chuyện cạnh tranh trong giới buôn hàng MBH dỏm cũng luôn rất khốc liệt. “Chỉ cần sơ suất không chọn kỹ dính phải lô hàng làm ẩu, lộ vết khoét viền, keo dán lớp lót mũ không chặt là mất mối hàng như chơi", người thanh niên tên Nam bán MBH dỏm ở nội thành Hà Nội cho biết.

Tại Hà Nội, MBH dỏm, nhái, kém chất lượng bày bán nhan nhản trên khắp các tuyến phố, cửa hàng kinh doanh MBH. Dọc các tuyến đường Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, Đại Cồ Việt, Giải Phóng… có hàng chục sạp hàng di động bán MBH kém chất lượng.

 

Tính cả gáo mũ, giá thành nguyên liệu làm ra loại MBH giá rẻ nhất không quá 8.000 đồng

Các loại mũ không phải MBH như mũ thời trang, mũ thể thao được bày bán lẫn lộn với loại MBH dán tem hợp quy với giá 20.000 - 50.000 đồng/cái. Đặc biệt, nhiều loại MBH có dấu hợp quy CR nhưng hầu hết là giả mạo, trái phép, vi phạm diễn ra tràn lan.

Không chỉ kiếm lợi từ sản xuất MBH dỏm, các cơ sở lắp ráp còn kèm luôn dịch vụ sửa chữa mũ. Tất nhiên, phụ kiện cũng là hàng dỏm, gia công ghép lại nên các chủ xưởng có rất nhiều mánh khóe để tiếp tục kiếm lời sau khi chiếc mũ bán ra thị trường.

“Các lò làm mũ rất chuộng dùng loại ốc hình cúc để lắp ráp lưỡi mũ, phần kính. Dùng loại này sau 2 - 3 tháng nắng mưa sẽ bị hoen rỉ, ốc vít tụt hỏng nên buộc họ (người tiêu dùng - PV) phải đi sửa. Thế là lại tiếp tục nuôi mình”- Nam giải thích.

Nguyễn Tuấn

>> Đột nhập lò sản xuất mũ bảo hiểm dỏm - Kỳ 1

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.