Đông trùng hạ thảo trên thảo nguyên Đắk Nông

12/03/2019 06:47 GMT+7

Ở một xã vùng sâu của Tây nguyên, đông trùng hạ thảo được nuôi cấy thành công và trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại tiền tỉ cho bước đầu khởi nghiệp của đôi vợ chồng trẻ.

Thoạt nghe, tưởng chừng loại dược liệu quý hiếm này mọc tự nhiên trên cao nguyên Đắk Nông ngút ngàn. Nhưng không, đông trùng hạ thảo (ĐTHT) ở đây được nuôi cấy, sinh trưởng trong phòng lạnh, tạo mọi điều kiện tối ưu có dưỡng chất nhiều nhất.
Chị Vương Thị Thu Thảo (32 tuổi, ở thôn 5, xã Quảng Tâm, H.Tuy Đức, Đắk Nông) đưa chúng tôi “mục sở thị” những căn phòng sản xuất ĐTHT và sản phẩm chứa ĐTHT chỉ vài chục mét vuông, nhưng có số hàng hóa trị giá nhiều tỉ đồng. Ở đây, có một phòng riêng được khử trùng chứa hàng ngàn lọ sinh khối ĐTHT đang phát triển. Nấm ĐTHT có màu vàng cam bắt mắt, tua tủa thân quả thể dài chừng 4 - 5 cm. “Nuôi cấy ĐTHT đòi hỏi kỹ thuật khắt khe và cả bí quyết điều chỉnh về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và yêu cầu vệ sinh kháng khuẩn để có tỷ lệ thành công cao. Sau khi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, khoảng hơn 70 ngày sau, ĐTHT đạt độ chín có thể khai thác, chế biến thành các sản phẩm khác nhau”, chị Thảo nói.
Theo chị Thảo, ĐTHT là một loại nấm, gọi là nấm thuốc Cordyceps, được phát hiện từ xa xưa, trên những vùng núi cao băng giá của châu Á như Tây Tạng, Nepal... Vào mùa đông, bào tử nấm Cordyceps lây nhiễm vào ấu trùng của sâu bướm (nên gọi là “đông trùng”), rồi sinh trưởng bằng cách hấp thụ chất dinh dưỡng từ cơ thể vật chủ ấu trùng. Sau đó, nó đợi đến mùa hạ mọc ra quả thể nấm trên xác vật chủ ở dạng cây nấm, được gọi là “hạ thảo”. Theo chị Thảo, sản xuất ĐTHT nhân tạo dựa trên nguyên lý của tự nhiên là cho bào tử nấm Cordyceps phát triển trên vật chủ. Nhưng giờ đây người ta có thể thay thế vật chủ ấu trùng bằng một loại hỗn hợp hữu cơ được pha chế với bí quyết riêng giúp bào tử nấm sinh trưởng tốt, có thành phần hoạt chất cao tương tự ĐTHT khai thác ngoài tự nhiên.
Chị Thảo kể cơ duyên đến với ĐTHT cách đây gần 2 năm. Đầu năm 2017, trong một chuyến thăm quê ngoài bắc, chồng chị là Đỗ Văn Kiều bị hấp dẫn bởi một mô hình nuôi cấy ĐTHT. Anh Kiều đã bỏ ra nhiều tháng liền để học hỏi, nhận chuyển giao công nghệ sản xuất ĐTHT, sau đó về Quảng Tâm cùng vợ xây phòng thí nghiệm, khởi nghiệp với nghề nuôi cấy dược liệu quý hiếm này. Trong thời gian ngắn, cơ sở sản xuất ĐTHT này đã nhanh chóng phát triển với danh tiếng vươn ra khỏi địa bàn Tây nguyên.
Khi đã thành thạo với nghề, cùng nhiều sản phẩm ĐTHT được thị trường chấp nhận, đầu năm 2018, vợ chồng chị Thảo thành lập Công ty TNHH thương mại sản xuất Đông Trùng Thảo Nguyên JG do chị làm giám đốc. Hơn một năm qua, doanh nghiệp chuyên về ĐTHT này đã sản xuất được 4 lứa sản phẩm, mỗi lứa khoảng 4.000 lọ sinh khối nấm Cordyceps. Mỗi lọ sinh khối tươi (100 gr) được bán với giá 700.000 đồng; nếu sấy khô có giá 120 triệu đồng/kg. Cùng với việc bán sinh khối ĐTHT nguyên chất, vợ chồng chị Thảo còn bào chế, đưa ra thị trường thêm các sản phẩm mật ong ngâm ĐTHT và rượu ĐTHT. Tùy theo khối lượng quả thể ĐTHT chứa trong mật ong và rượu mà các sản phẩm này có giá từ dưới 1 triệu đến vài chục triệu đồng. Bình quân mỗi tháng doanh nghiệp này có doanh thu từ các sản phẩm ĐTHT hơn 500 triệu đồng, có tháng tới 1 tỉ đồng.
“Thực tế, chưa nhiều người tiêu dùng biết đến tác dụng dược lý và sử dụng ĐTHT theo cách tốt nhất. Hơn nữa, giá ĐTHT khá đắt nên sản phẩm này có phân khúc riêng trên thị trường. Mục tiêu của doanh nghiệp chúng tôi là ngày càng hạ giá thành để ĐTHT đến nhiều hơn với người dùng”, chị Thảo chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.