'Donald Trump sẽ xây bức tường kinh tế bao quanh nước Mỹ'

09/11/2016 21:12 GMT+7

Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ làm dấy lên nhiều cú sốc ở các ngành công nghiệp phụ thuộc vào thương mại mở, từ các hãng hàng không, sản xuất ô tô đến gia công IT.

Theo Reuters, nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc  thương mại mở đang sốc và lo lắng, dù giới điều hành doanh nghiệp vẫn chưa chắc chắn quan điểm chủ nghĩa bảo hộ của ông Trump sẽ ảnh hưởng ra sao đến hoạt động của họ. Trong suốt chiến dịch tranh cử, tỉ phú bất động sản tuyên bố hồi sinh kinh tế Mỹ bằng cách giảm thuế, chặn công ty sản xuất sản phẩm ở nước ngoài, tái đàm phán hiệp định thương mại và áp đặt thuế với hàng nhập khẩu từ các nước như Trung Quốc.
“Mọi người đang bị sốc. Có vẻ như các nhà bình luận đang đọc nhầm tâm trạng của đất nước”, cựu chuyên gia tư vấn ngành hàng không Mỹ Jerrold Lundquist, giám đốc quản lý hãng The Lundquist Group nói.
Ở châu Á, cổ phiếu các hãng bay tiếp xúc nhiều với thương mại thế giới, chẳng hạn như Korean Airlines, giảm đến 5% khi ông Trump tiến sát ngưỡng cửa Nhà Trắng. Cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông của Air China hạ xuống đáy kể từ tháng 6. Các nhà sản xuất ô tô như Toyota, hãng xem Mỹ là thị trường hàng đầu, giảm 6,5%.
“Đây là một phần của vấn đề lớn hơn nhiều mà chúng ta nhìn thấy trong thế giới, nơi các nước đang hướng nội, phản ứng trước toàn cầu hóa và việc mở cửa biên giới”, nhà phân tích hàng không Richard Aboulafia, phó chủ tịch hãng Teal Group nhận định.
Những người biểu tình chống Tổng thống Mỹ vừa đắc cử Donald Trump tập trung trong ôn hòa tại Oakland, bang California (Mỹ) Reuters
Nhà kinh tế trưởng Brian Pearce của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nói với Reuters trước cuộc bầu cử Mỹ: “Chúng ta nhìn thấy phần lớn dân số không hưởng lợi trong thập niên qua và nhìn thấy sự ủng hộ dành cho chủ nghĩa dân túy như là câu trả lời đơn giản”. Theo IATA, các chuyến bay quốc tế chiếm 64% lưu lượng hàng không toàn cầu.
Giám đốc điều hành nhiều hãng ô tô Mỹ cho hay họ lo ngại về lập trường của ông Trump trong vấn đề tự do thương mại, đặc biệt là quan điểm khó khăn của ông khi nhắc đến Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tất cả doanh nghiệp này đều có cơ sở sản xuất ở Mexico.
Song nhiều giám đốc điều hành và nhà phân tích trong ngành công nghiệp cho hay ngành hàng không có tiền sử miễn dịch với các cú sốc kinh tế, chính trị. Xét trung bình, lưu lượng các chuyến đi bằng đường hàng không tăng gấp đôi mỗi 15 năm. “Nếu có cái phanh đặt giữa thương mại, nó có thể để lại một số tác động lên du lịch quốc tế. Tuy nhiên chúng ta chứng kiến mức tăng trưởng khoảng 5% trong lưu lượng đi lại nhiều thập kỷ”, ông Lundquist cho hay.
Ngược lại, ngành công nghiệp quốc phòng có thể hưởng lợi khi chính quyền ông Trump có khả năng chi tiêu thêm cho quân sự, khuyến khích các đồng minh gánh thêm chi phí an ninh. Cổ phiếu quốc phòng, bao gồm cả nhà sản xuất mìn Ishikawa Seisaku, tăng vọt.

tin liên quan

Chứng khoán Việt ngập sắc đỏ trong ngày bầu cử Mỹ
Ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống và trong suốt diễn biến cuộc bầu cử Mỹ, thị trường tài chính toàn cầu rung lắc mạnh. Riêng tại thị trường chứng khoán VN, tính đến thời điểm 14 giờ 15 chiều nay, chỉ số VN-Index giảm 10,88 điểm xuống 665,58 điểm; HNX-Index giảm 1,54 điểm xuống 79,72 điểm.
Sắc đỏ bao phủ nhiều sàn chứng khoán vào hôm nay 9.11 Reuters
Hậu cuộc đua vào Nhà Trắng, giới chuyên gia thương mại cho biết hiện vẫn chưa rõ các quan điểm về biện pháp bảo hộ thương mạ, kiểm soát nhập cư ông Trump đưa ra có chuyển thành chính sách thực hay không. “Câu trả lời thành thực là không ai biết. Thậm chí ông Trump cũng không biết. Ông ấy vận động tranh cử không dựa trên ý tưởng, mà trên sự tức giận và thất vọng”, giám đốc điều hành Bertrand Grabowski của ngân hàng Đức DVB Bank cho biết.
Các quy định thắt chặt có thể ảnh hưởng đến nhiều hãng dịch vụ IT Ấn Độ vốn hỗ trợ nhiều công ty Mỹ. Cổ phiếu của các hãng như Infosys và Tata Consultancy Services lao dốc khi ông Trump dẫn trước bà Hillary Clinton. Dù vậy, nhà đồng sáng lập Infosys Narayana Murthy, nhân vật chủ chốt trong ngành gia công Ấn Độ, cho rằng hiện thực sẽ thắng thế.
“Họ có thể đặt rào cản ở đây ở kia, nhưng hãy nhớ rằng ông ấy là tổng thống của 300 triệu người Mỹ và tôi nghĩ ông sẽ làm những gì có lợi nhất cho nước Mỹ. Điều có lợi nhất cho nước Mỹ là làm cho các doanh nghiệp thành công, làm cho các doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm hơn”, ông Murthy chia sẻ.
Lúc này, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ít nhất sẽ nguội đi, đặc biệt là việc doanh nghiệp Trung Quốc mua sắm công ty Mỹ vì nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump có thể thắt chặt quy định giám sát. Luật sư chuyên về M&A Stephanie Yuen ở Singapore cho biết: “Nếu bây giờ ông ấy đòi hỏi một tỷ lệ phần trăm nhất định các sản phẩm được làm ở Mỹ, đó sẽ là bảo hộ, làm tăng rủi ro cùng chi phí kinh doanh. Ông ấy không những xây bức tường ở biên giới với Mexico, ông ấy xây dựng bức tường kinh tế bọc quanh đất Mỹ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.