Dồn lực hạ lãi suất, giữ 'mạch máu' lưu thông

Anh Vũ
Anh Vũ
02/04/2020 06:31 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hoạt động của ngành ngân hàng đã giải ngân kịp thời nhiều gói hỗ trợ, thực hiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 chiều qua 1.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hoạt động của ngành ngân hàng đã giải ngân kịp thời nhiều gói hỗ trợ, thực hiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, điều hành tốt chính sách tỷ giá...; góp phần quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Lần đầu tiên hạ lãi vay 2,5%/năm

Với dư nợ tín dụng lên tới hơn 8 triệu tỉ đồng, ngân hàng (NH) đang là kênh bơm vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp (DN). Cùng với huyết mạch này là mạng lưới cung ứng dịch vụ thanh toán cho cả nền kinh tế, vì vậy ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Thống đốc NH Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã lập tức ban hành Công điện số 02 về các giải pháp cấp bách của ngành nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết trong công điện Thống đốc Lê Minh Hưng đã chỉ đạo cụ thể từng đầu mục công việc trên tinh thần chung “ngành NH chống dịch như chống giặc”. Các đơn vị NHNN T.Ư phải chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, cung ứng vốn kịp thời, giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Đặc biệt, phải làm việc trực tiếp với chủ tịch, tổng giám đốc các tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi các khoản vay cũ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi...
Ngay sau khi công điện được ban hành, ông Tú đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các NH thương mại. Các nhà băng cũng ngay lập tức đưa ra kịch bản và sẵn sàng nhập cuộc. “Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng DN và người dân vay vốn tại VietinBank. Mức giảm khoảng 2%/năm và có thể cao hơn 2%/năm, trước hết đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế”, Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ tuyên bố.
Trước đó, kể từ 23.1 (thời điểm công bố dịch) đến hết tháng 3, bằng các chương trình tín dụng khác nhau, VietinBank cũng hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất thấp, giảm từ 0,5 - 1,5%/năm cho khoảng gần 3.000 khách hàng với số tiền giải ngân khoảng 60.000 tỉ đồng. Ngoài những khách hàng đã chủ động được thời gian trước mắt để trả nợ, vẫn còn nhiều khách hàng khó khăn, VietinBank đã cơ cấu lại dư nợ để hỗ trợ.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết nhà băng này sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất từ 1 - 1,5% đối với dư nợ hiện hữu (trước kia dư nợ này có thời hạn đến 30.4 nay được chuyển sang đến 30.9). Với khoản cho vay mới, Vietcombank giảm lãi suất 2 - 2,5%/năm với quy mô tín dụng 30.000 tỉ đồng. “Đối với các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ giảm đến 2,5% so với mặt bằng lãi suất hiện nay. Như vậy, lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 4,5 - 5%/năm, đã thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động hiện nay”, ông Thành nói.

Hạ lãi suất cả khoản vay cũ và mới

“NH với tinh thần trách nhiệm cao với xã hội và cộng đồng, Thống đốc mong muốn cả ngành vào cuộc quyết liệt, đã quyết liệt rồi quyết liệt hơn nữa”, ông Tú nói.
Trong thời gian tới, ông Đào Minh Tú cho biết toàn hệ thống vào cuộc với các biện pháp như cơ cấu lại khoản nợ, hoãn, giãn nợ, không chuyển nhóm nợ. Đồng thời hạ lãi suất khoản vay cũ và cả khoản vay mới, khuyến khích giảm mạnh, giảm sâu hơn nữa. Phải khẩn trương tháo gỡ cho DN nhưng không để nợ xấu phát sinh.
Theo các chuyên gia, việc hạ lãi suất 2,5%/năm kéo lãi vay còn 4 - 5%/năm là thách thức lớn. NH đã chấp nhận cho vay một số gói thấp hơn cả lãi suất huy động. Song việc này cũng cần phải được xem xét toàn diện vì NH cũng là DN, huy động tiền để cho vay lại. Nếu NH thua lỗ, đổ vỡ sẽ còn rủi ro hơn DN gấp nhiều lần. “Trong các gói hỗ trợ về chính sách thuế, phí, các DN được hoãn, miễn, giảm thuế, phí thì NH lại không có. Như vậy, NH cũng đang gặp khó khăn kép, thứ nhất là chính cả NH và DN đều chịu tác động của dịch. Thứ hai là NH lại chia sẻ khó khăn đó với các DN”, chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu bình luận.
Vẫn theo chuyên gia này, ngoài giải pháp hỗ trợ thuế, Chính phủ và NHNN cần có chính sách tái cấp vốn với mức lãi suất thấp để hỗ trợ các NH giảm mạnh hơn và giảm nhanh hơn lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Từ đó có tác động tích cực đối với việc tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế cũng như đẩy mạnh các hoạt động cung ứng dịch vụ của các NH để giúp nền kinh tế phục hồi sau khi chúng ta khống chế được dịch bệnh và một số giải pháp khác nữa.

Không nhất thiết phải rút tiền dự phòng

“Ngành NH là loại hình dịch vụ, phục vụ DN và người dân nhiều nhu cầu thiết yếu về tiền mặt và thanh toán nên hoạt động cung ứng tiền mặt và hệ thống thanh toán trong nền kinh tế vẫn phải được duy trì, đáp ứng đầy đủ cho lưu thông, đảm bảo thông suốt “mạch máu” của nền kinh tế. Vì thế, mọi hoạt động giao dịch thiết yếu như gửi tiền, rút tiền, thanh toán chuyển tiền, các hoạt động dịch vụ ngân hàng trực tuyến online, máy ATM vẫn được bố trí phục vụ bình thường trong 15 ngày tới. Vì vậy, DN và người dân không nhất thiết phải rút tiền để dự phòng trong thời gian cách ly xã hội mà vẫn thực hiện các dịch vụ tiền mặt thanh toán khi có nhu cầu cần thiết”.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú
 
 
 Mặc dù thị trường quốc tế có nhiều biến động, đồng tiền các nước - đặc biệt các nước lân cận trong khu vực biến động rất mạnh, nhưng chúng ta vừa rồi đã chủ động kịch bản điều hành và các phương án khác nhau, diễn biến tỷ giá khá ổn định, thị trường ngoại tệ khá dồi dào và cung ứng đầy đủ ngoại tệ đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế. Đến ngày hôm nay, NHNN chưa phải sử dụng dự trữ ngoại hối để bình ổn và can thiệp cho thấy chúng ta khá là thành công trong điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng 

Kết quả thực hiện hỗ trợ tín dụng tính từ 23.1 - 28.3

Các tổ chức tín dụng đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỉ đồng; đã và đang xem xét miễn giảm lãi cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỉ đồng.
Các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5 - 3% (khoảng 250.000 tỉ đồng, chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu, DN nhỏ và vừa...). Kết quả, đến nay các tổ chức tín dụng đã cho vay mới đối với 47.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt gần 80.000 tỉ đồng.
Sau 2 lần giảm phí trong năm 2020 đã có 63% giao dịch chuyển tiền liên NH qua Napas được tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các NH. Theo đó, tổng số tiền phí mà các NH giảm cho khách hàng trong cả 2 lần giảm phí khoảng 560 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.