Đổi hướng đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ giảm 17.000 tỉ đồng

21/09/2018 10:10 GMT+7

Theo UBND TP.HCM, việc đổi hướng tuyến đường sắt không chỉ giúp giảm khối lượng lớn giải phóng mặt bằng mà còn tiết giảm được 17.000 tỉ đồng chi phí xây dựng.

Theo đó, UBND TP đề xuất tuyến đường sắt cao tốc sẽ song hành với đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu.
[VIDEO] Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ 5 tỉ USD theo đề xuất hoạt động ra sao? - Video tư liệu
Tuyến sẽ bắt đầu từ ga đầu Tân Kiên (TP.HCM), tuyến đi qua các ga thuộc tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và ga cuối là ga Cái Răng (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ). Như vậy, so với phương án được Bộ GTVT phê duyệt năm 2013, tuyến đường sắt cao tốc rút ngắn được 1 km, còn 139 km, giảm từ 10 xuống 9 nhà ga và tổng chiều dài đoạn tuyến đi trên cầu cạn ngắn hơn.
UBND TP đánh giá việc điều chỉnh sẽ giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc phát triển các cụm đô thị kết nối với nhà ga, tăng hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời giúp giảm chi phí xây dựng và thiết bị kèm theo giảm được 17.000 tỉ đồng.
Phương án điều chỉnh này đã được thống nhất với các địa phương, phù hợp với quy hoạch của các địa phương.
Tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 5 tỉ USD, đi qua năm tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Tuyến được thiết kế đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, là khổ hiện đại dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách. Như vậy, từ TP.HCM đến Cần Thơ tàu chạy chỉ mất 45 phút.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.