Đòi đối xử công bằng trong vận tải

28/02/2016 06:00 GMT+7

Ngày 27.2, tại TP.HCM, Bộ GTVT tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện Nghị định (NĐ) 86/2014/NĐ-CP ngày 10.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Ngày 27.2, tại TP.HCM, Bộ GTVT tổ chức hội nghị đánh giá thực hiện Nghị định (NĐ) 86/2014/NĐ-CP ngày 10.9.2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Tham dự hội nghị ngoài lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Tổng cục Đường bộ, Vụ Vận tải - Bộ GTVT, còn có đại diện 15 sở GTVT phía nam và các doanh nghiệp (DN) vận tải.
Tại hội nghị, ông Phan Thái Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Taxi TP.HCM, kiến nghị Chính phủ cần quy định taxi là vận tải công cộng để có các chính sách đi kèm phù hợp, bởi như hiện nay chính sách về taxi giống như xe cá nhân. Ngoài ra, theo ông Bình, các loại hình vận tải xuất hiện thời gian gần đây như Uber, Grab... là điều tất yếu của sự phát triển, thúc đẩy tính cạnh tranh nên giúp ngành taxi vận tải phát triển, người tiêu dùng được lợi.
Tuy nhiên, xe của các đơn vị này sử dụng phần mềm thông minh để đón khách và tính toán giá cước trên cơ sở phần mềm đó, nên giống như taxi. Thế nhưng, trong khi taxi hiện có đến 13 điều kiện ràng buộc rất chặt chẽ; mỗi lần điều chỉnh giá cước phải liên quan đến rất nhiều thủ tục, kiểm định, phải niêm yết giá tiền trên từng xe... thì các xe vận chuyển theo hình thức Uber, Grab... điều chỉnh giá lúc nào cũng được và các thiết bị tính cước ấy không ai kiểm tra, kiểm soát. Vì vậy, ông Bình cho rằng để công bằng, nên giao cho DN taxi tự chịu trách nhiệm điều chỉnh phần mềm giống như Uber, Grab. “Bản chất 2 loại hình này giống nhau thì nên có những quy định quản lý giống nhau nhằm minh bạch, đảm bảo an toàn cho khách hàng, DN”, ông Bình nói.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ủng hộ xem taxi là vận tải công cộng, đồng thời đẩy nhanh việc cho phép DN taxi kê khai, công bố giá cước mới qua phần mềm điện tử nhằm đơn giản thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực vận tải. Song song đó, DN nào muốn thực hiện điều chỉnh cước theo cách hiện nay thì cứ làm.
Góp ý sửa đổi quy định về điều kiện để cấp phép cho hộ kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa, nhiều đại biểu cho rằng NĐ 86 quy định ngoài việc đáp ứng các điều kiện còn phải đáp ứng các yêu cầu về người điều hành vận tải, điều lệnh vận tải. Quy định này thực tế không phù hợp vì đa số các hộ kinh doanh cá thể có từ 3 xe trở xuống, nhất là ở miền Trung, miền Bắc và Tây Bắc, hộ kinh doanh đồng thời là lái xe nên không cần điều lệnh vận tải.
Nếu quy định cứng nhắc như vậy thì chủ xe cũng sẽ tìm mọi cách đối phó, hợp thức hóa. Nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ khi sửa đổi NĐ 86 nên có quy định đặc thù với các HTX vận tải, vì các HTX đa phần quy mô nhỏ chứ không giống như mô hình DN vốn đã đi vào nền nếp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.