Đổi đời nhờ trồng lúa thảo dược

05/03/2019 06:51 GMT+7

Mạnh dạn chuyển đổi từ giống lúa thông thường sang trồng lúa tím thảo dược theo hướng hữu cơ sinh học, bà Lê Thị Nga (Vĩnh Long) có nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/năm.

Bà Nga (56 tuổi, ngụ ấp Kinh, xã Trung Ngãi, H.Vũng Liêm) kể trước đây gia đình bà trồng giống lúa thông thường nhưng thu nhập bấp bênh do điệp khúc được mùa, mất giá. Năm 2011, thông qua báo đài, biết được lúa tím thảo dược Vĩnh Hòa ở Nghệ An có nhiều ưu điểm vượt trội nên bà mua giống về trồng thử nghiệm trên 300 m2 đất ruộng.
Ban đầu, do thời tiết miền Tây Nam bộ có nhiều khác biệt so với miền Trung nên lúa ít trổ bông, năng suất kém. Không nản chí, bà Nga tìm tòi, học hỏi và tự rút ra kinh nghiệm. Để cải thiện và chủ động nguồn giống, bà lựa những bông lúa trổ trước, to khỏe, đồng đều rồi nhân rộng diện tích trồng lên hơn 2,5 ha. Đến năm 2017, nguồn giống hoàn toàn chủ động và thích ứng với thổ nhưỡng nên lúa phát triển mạnh, cho năng suất cao.
Tuy nhiên, theo bà Nga, khi đem gạo tím thảo dược bán ra thị trường thì gặp khó khăn vì ít người biết đến. Thậm chí nhiều người còn cho rằng đây là gạo nhuộm màu, khi nấu ra nước màu đỏ tươi và không dám ăn. Để tạo niềm tin cho khách hàng, những người đến mua gạo đều được bà Nga nấu cơm tại nhà ăn thử, ai cũng khen ngon rồi đặt hàng và giới thiệu bạn bè đến mua. Bên cạnh đó, bà còn mang gạo đi kiểm tra chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng. Nhờ cách làm này mà bà đã tạo được uy tín, sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến.
Bà Nga cho biết, khác với giống lúa thường, trồng lúa thảo dược không được sử dụng phân, thuốc hóa học mà phải sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học chiết xuất từ nấm la hán quả; đồng thời dùng gừng, tỏi, ớt, trái bình bát... giã nhuyễn, trộn đều để phun lên cây lúa phòng ngừa sâu bệnh. Muốn trồng lúa thảo dược đạt chất lượng cao phải mất từ 2 năm trở lên để cải tạo đất, loại bỏ tạp chất. Ngoài ra phải áp dụng đúng các quy trình, kỹ thuật trồng, tuân thủ biện pháp canh tác...
Đổi đời nhờ trồng lúa thảo dược1
Gạo tím thảo dược được chế biến thành trà để uống
Gạo tím thảo dược khi nấu có hương thơm dịu, mềm, ngọt, để nguội vẫn dẻo và lâu thiu. Gạo có thể dùng nấu cơm, rang vàng xay làm trà hoặc xay thành bột làm sữa gạo… Đặc tính vượt trội của lúa tím là gạo có hàm lượng các vi chất dinh dưỡng, vi lượng và vitamin A, B (B1, B2, B6), chất xơ, omega… Vì vậy bà Nga đã nghiên cứu và sản xuất trà gạo thảo dược có chứa hàm lượng omega 3, 6, 9.
Mỗi năm bà Nga trồng 2 - 3 vụ lúa tím thảo dược. Từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 95 - 100 ngày, năng suất bình quân 4,5 tấn/ha/vụ. Lúa được chà thành gạo lứt, bán với giá 40.000 đồng/kg. Nhờ vậy bà Nga có nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/năm. Hiện bà đã đầu tư máy móc hút chân không, đóng gói và đóng nhãn truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Gạo tím thảo dược được bà Nga đóng gói cung ứng cho người tiêu dùng và các siêu thị khắp cả nước, nhưng nguồn cung không đủ cầu. “Vừa qua, có một doanh nghiệp muốn ký hợp đồng mua gạo tím thảo dược của tôi hơn 10 tấn/tháng để xuất bán sang thị trường Singapore nhưng tôi đành phải từ chối vì không đủ hàng cung ứng”, bà Nga nói.
Hiện nay, bà Nga đã mở hợp tác xã để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa giống, lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ cho bà con địa phương có đầu ra ổn định. Hướng kế tiếp bà sẽ mở rộng trồng thêm 1,5 ha giống lúa tím thảo dược để cung ứng cho thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.