Độc quyền trong mua sắm sản phẩm công nghệ ?

Mai Phương
Mai Phương
19/09/2018 09:59 GMT+7

Chiều nay 18.9, các doanh nghiệp công nghệ thông tin - điện tử - viễn thông (CNTT) đã bày tỏ sự lo ngại về tình trạng "độc quyền" trong buổi đối thoại với lãnh đạo TP.HCM.

"Đặt viên gạnh" chiếm chỗ
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM cho biết có thông tin chưa được kiểm chứng là trong thời gian tới, Chính phủ có chỉ đạo các tỉnh khi triển khai các giải pháp xây dựng chính phủ điện tử thì phải sử dụng sản phẩm của 1 trong 3 đơn vị là VNPT, Viettel hay FPT. Thực tế tại TP.HCM khi thực hiện các chương trình, dự án cũng hay dành ưu tiên cho các công ty lớn nêu trên.
“Điều này vô hình làm mất niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khi các doanh nghiệp này rất cần sự hỗ trợ, động viên từ chính quyền. Sự lớn mạnh của quốc gia cũng dựa vào sự phát triển và lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ và đây mới là lực lượng xương sống, tạo ra nguồn lao động và ngân sách nhiều nhất chứ không chỉ 2-3 doanh nghiệp lớn”, ông Trần Anh Tuấn nêu.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phí Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM nói thẳng, thực tế hiện nay một khi các công ty lớn như VNPT, Viettel mà đồng ý hợp tác với các Bộ ngành thì cũng không còn cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Tuấn ví dụ, trường hợp như một trong các đơn vị trên có ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các Sở Giáo dục và Đào tạo ở nhiều tỉnh thành khác đều dừng hết các dự án CNTT, không hợp tác với các công ty khác nữa. Điều này diễn ra tương tự nếu doanh nghiệp lớn hợp tác với Bộ Y tế và các bệnh viện công đều chờ sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp đó.
Ông Phí Anh Tuấn nhấn mạnh: Nếu như doanh nghiệp lớn đã có giải pháp tốt thì không ai phàn nàn gì nhưng điều đáng nói là vẫn chưa có sản phẩm cụ thể nhưng việc hợp tác đó như đặt “một viên gạch” chiếm chỗ. Điều đó rất thiệt thòi cho các công ty nhỏ và cũng đẩy lùi ngành CNTT của Việt Nam đi xuống.
Ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ingreetech, cũng cho rằng vấn đề độc quyền không chỉ diễn ra ở những dự án lớn mà xuất hiện ngay các dự án nhỏ tại quận, huyện. Hầu như các địa phương không đấu thầu mua sắm trang thiết bị CNTT cho các dự án công dù Chính phủ đã quy định. Điều này khiến các công ty dù dự án nhỏ cũng không tham gia được. Hơn nữa, các thiết bị được mua sắm ở nhiều dự án công đã có tuổi đời lớn, nếu đầu tư các thiết bị mới sẽ tiết kiệm được đến 80-90% năng lượng. Giả sử một ủy ban phường có 10 máy tính, nếu đầu tư sản phẩm mới thì trong vòng 3 năm tiền tiết kiệm năng lượng đủ thu hồi vốn. Vì vậy việc không thực hiện đấu thầu công khai rộng rãi là thiệt thòi cho doanh nghiệp nhỏ lẫn thiệt thòi của nhà nước và tiền thuế của người dân cho đầu tư công.
Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu kiến nghị cần chống độc quyền trong triển khai các dự án M.P
Kiểm tra chuyên ngành gây khó doanh nghiệp
Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu phản ánh, Nghị định 74/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có hiệu lực từ ngày 1.7 vừa qua khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, khi thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo nghị định mới, các doanh nghiệp mất trung bình 2-3 tuần để hoàn tất thủ tục nhập khẩu. Riêng việc nhập các thiết bị có chức năng thu phát sóng sẽ mất thời gian lên tới 30 ngày, kèm theo các chi phí phát sinh liên quan để đo kiểm làm hồ sơ công bố hợp quy. Quy trình này ảnh hưởng đến tiến độ nhập hàng và triển khai dự án, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của công ty.
“Doanh nghiệp đã bị mất khách hàng vì chậm trễ việc thực hiện dự án. Chính phủ đã có chủ trương đưa ra các chính sách thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp vì vậy chúng tôi rất mong lãnh đạo thành phố có ý kiến về vấn đề này”, ông Trần Anh Tuấn kiến nghị.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ingreetech, cũng cho biết công ty đã ngưng nhập các sản phẩm phần cứng như thiết bị máy tính bởi việc kiểm tra chuyên ngành hiện nay rất khổ. Mặt hàng nhập về phải mang ra Hà Nội kiểm tra vì Trung tâm Kiểm định và chứng nhận 2 tại TP.HCM chưa thực hiện được. Ví dụ công ty một tháng có 4 tờ khai hải quan nhập hàng thì phải chạy ra Hà Nội 4 lần khiến chi phí kinh doanh gia tăng. Nếu không tự thực hiện, doanh nghiệp có thể thông qua các đơn vị trung gian thì chi phí cho hoạt động này cũng tăng lên nhiều. Đó là chưa kể việc nhập khẩu các linh kiện, thiết bị lại không thể kiểm định được vì không phải là cái máy tính hoàn hảo để hoạt động và đo phát...
Sau khi nghe những bức xúc của doanh nghiệp, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định thị trường đầu ra cho các doanh nghiệp ngành CNTT rất lớn vì thành phố đang triển khai nhiều dự án để xây dựng đô thị thông minh. Tuy nhiên khi áp dụng luật Đầu tư công cho lĩnh vực CNTT có khá nhiều vấn đề. Ví dụ Sở Giao thông vận tải đấu thầu để chọn nhà đầu tư thực hiện vé xe buýt điện tử thì sau 3 năm mới chọn được. Khi đó công nghệ đã lạc hậu nên thành phố buộc phải hủy thầu. Vì vậy không thể áp dụng quy trình đấu thầu theo luật Đầu tư công với sản phẩm CNTT nên thành phố sẽ có kiến nghị với Trung ương. “Thành phố luôn muốn khuyến khích doanh nghiệp tham gia, hợp tác từ các dự án nhỏ đến lớn và cam kết không có cơ chế độc quyền cho doanh nghiệp nào. Thành phố đã yêu cầu các quận, huyện và sở, ngành trong một năm phải có ít nhất một sản phẩm công nghệ để ứng dụng trong quản lý. Các doanh nghiệp cũng cần phải tăng cường tiếp thị với các quận, huyện để giới thiệu sản phẩm của mình…”, ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.