Doanh số giao dịch thẻ giảm, phí thẻ quốc tế ở mức cao

Thanh Xuân
Thanh Xuân
26/04/2020 16:08 GMT+7

Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh thẻ của các ngân hàng tại Việt Nam khi doanh số giao dịch thẻ của khách hàng giảm sút.

Doanh số giao dịch thẻ giảm 16 - 20%

Theo Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, đối với phát hành thẻ, doanh số sử dụng thẻ của nhóm các ngân hàng lớn đã liên tiếp giảm sút kể từ đầu năm đến nay. Tính đến tháng 3, doanh số sử dụng thẻ trong nước đã giảm 21% và doanh số sử dụng thẻ tại nước ngoài giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh số thanh toán thẻ giảm mạnh qua các tháng, đặc biệt trong tuần đầu của tháng 4, thanh toán bình quân giảm 78% so với cùng kỳ, giảm 93% so với tháng 3. Tại các điểm chấp nhận thẻ như hàng không, giáo dục, du lịch lữ hành, khách sạn, doanh số thanh toán trung bình của thẻ trong và ngoài nước tháng 3 giảm 80% so với tháng trước và dự kiến giảm mạnh trong tháng 4 cũng như những tháng tới.
Công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết số lượng giao dịch của khách hàng trong những tuần đầu tháng 4 giảm khoảng 16% so với tháng 3. Khách hàng chủ yếu giao dịch những món nhỏ nên tổng giá giao dịch cũng giảm mạnh dù từ đầu năm đến nay, Napas cùng các ngân hàng triển khai miễn giảm phí 2 lần để hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, miễn phí dịch vụ công và miễn, giảm lên đến 72% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống từ 25.2 đến hết 31.12; miễn, giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho giao dịch từ trên 500.000 đồng đến 2 triệu đồng từ 25.3 đến hết 31.12. Số tiền phí miễn giảm của các ngân hàng lên đến 560 tỉ đồng. Đại diện Sacombank cho biết khách hàng thanh toán trực tuyến gần đây đối với các khoản nhỏ và trung bình là chính, chủ yếu thanh toán hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Do thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19, những khoản thanh toán lớn cho nhu cầu du lịch của khách hàng giảm rất nhiều.

Thẻ Visa, Master phí chồng phí

Theo Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, trong cơ cấu phí thu của các tổ chức thẻ quốc tế, phí xử lý giao dịch chiếm phần chủ yếu. Phí xử lý giao dịch bao gồm nhiều loại phí, trong đó vừa thu theo số lượng giao dịch, vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn đến tình trạng phí chồng phí đối với 1 giao dịch. Chẳng hạn trên 1 giao dịch thẻ, Visa và Mastercard có thể thu các loại phí như phí cấp phép, phí thanh toán, phí thương hiệu, phí chi tiêu trong và ngoài Việt Nam, phí dịch vụ và các loại phí khác theo loại giao dịch. Chi tiết phí xử lý giao dịch của tổ chức thẻ quốc tế thu của ngân hàng phát hành chồng chéo 3 - 4 loại phí, trong đó tổng phí Mastercard thu 0,713 - 1,4%, tổng phí Visa thu 0,817 - 2,25%. Phí thu trên doanh số của giao dịch xuyên biên giới so với phí thu trên doanh số của giao dịch trong Việt Nam, Mastercard thu cao gấp 30 - 70 lần, Visa thu cao gấp 10 - 30 lần.
Đối với thẻ do ngân hàng ngoài Việt Nam phát hành, phí xử lý thu trên số giao dịch được chuẩn chi, ngân hàng phải trả phí cấp phép và phí chuẩn chi tương ứng 2.297 đồng/giao dịch thẻ Visa, còn Mastercard từ 946 - 2.838 đồng/giao dịch. Đối với các loại hình chi tiêu hàng ngày thông thường giá trị nhỏ khoảng 300.000 đồng/giao dịch, chi phí trả cho các tổ chức thẻ quốc tế từ 3,15 - 9,45%. Phí thu trên số lượng giao dịch xuyên biên giới so với phí thu trên số lượng của giao dịch trong Việt Nam, Visa cao gấp gần 40 lần đối với giao dịch nhỏ và hơn 10 lần đối với giao dịch thông thường…
Do đó, Hiệp hội đề nghị tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard xem xét trong vòng 12 tháng tới giảm tối thiểu 50% phí xử lý giao dịch đối với cả ngân hàng thanh toán và ngân hàng phát hành, bao gồm cả phí xử lý giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến qua các cổng thanh toán quốc tế; chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí đối với giao dịch lỗi.
Ngoài ra, mức phí trao đổi (interchange) các tổ chức tín dụng thu cao nên các ngân hàng thanh toán phải thu của đơn vị chấp nhận thẻ cao tương ứng. Phí interchange ngân hàng phát hành tại Việt Nam thu đối với đơn vị chấp nhận thẻ POS từ 0,2 - 0,3%, đối với đơn vị chấp nhận thẻ trực tuyến từ 1,15 - 1,5%. Phí ngân hàng thanh toán tại Việt Nam phải trả cho đơn vị chấp nhận thẻ POS và trực tuyến từ 1 - 1,97% tùy theo hạng thẻ. Dưới tác động của dịch Covid-19, doanh số thanh toán sụt giảm dẫn đến ngân hàng thanh toán thu không đủ bù chi, nhưng vẫn tiếp tục chịu chi phí đầu tư, bảo dưỡng và vận hành hệ thống thanh toán, trả phí interchange rất cao cho ngân hàng phát hành cùng các phí khác cho tổ chức thẻ quốc tế. Do đó, Hiệp hội đề nghị miễn và giảm 50% phí interchange thuộc các đơn vị kinh doanh như y tế, bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà hàng ăn uống...
Về lâu dài, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam đề nghị 2 tổ chức thẻ quốc tế giảm 50% phí trả cổng thanh toán đối với giao dịch thanh toán trực tuyến nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, còn 0,015 USD/giao dịch. Đồng thời, Visa và Mastercard đơn giản hóa cơ chế thu phí để hạn chế tình trạng phí chồng phí, hỗ trợ các ngân hàng trong việc thu phí, có chính sách ưu đãi đối với giao dịch trong nước, giảm gánh nặng cho các ngân hàng và thúc đẩy giao dịch thẻ nước ngoài…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.