Hiện đại hóa để nâng cao hiệu quả các chính sách BHXH

31/12/2019 13:00 GMT+7

Với gần 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế, 15 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa BHXH để nâng cao chất lượng phục vụ trở thành yêu cầu cấp thiết.

Từ thủ công chuyển sang giao dịch điện tử

Theo ông Đào Việt Ánh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, trước năm 2015, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành BHXH chưa được đẩy mạnh, hệ thống máy chủ, phần mềm, cơ sở dữ liệu phân tán tại BHXH các quận, huyện, chưa có hệ thống mạng WAN kết nối hệ thống CNTT giữa các đơn vị. Toàn bộ giao dịch với người dân và doanh nghiệp đều thực hiện theo hồ sơ giấy tờ qua bộ phận một cửa hoặc đến gặp trực tiếp cán bộ tại các phòng nghiệp vụ. Điều này, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý người tham gia, đặc biệt khi thay đổi đơn vị, thay đổi nơi cư trú.
Việc giám định hồ sơ thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) thực hiện thủ công trên hồ sơ giấy với tỷ lệ khoảng 20% tổng số hồ sơ đề nghị thanh toán. Tình trạng lạm dụng chi trả BHXH diễn ra thường xuyên. Từ đó dẫn đến việc báo cáo quyết toán, thanh tra hằng năm đều thực hiện thủ công.
“Hiện nay, với gần 90% người dân tham gia BHYT, hơn 15 triệu người tham gia BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần cải cách chính sách BHXH việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hiện đại hóa BHXH để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và hưởng BHXH, BHYT đã trở thành yêu cầu cấp thiết”, ông Đào Việt Ánh, chia sẻ.
Trước yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và thực tế đòi hỏi của quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT - trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội. Mục tiêu hiện đại hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách BHXH đã trở thành quyết tâm chính trị của toàn ngành BHXH Việt Nam với mong muốn đổi mới, phát triển toàn diện, công khai minh bạch và đem lại sự hài lòng của người dân.
Với yêu cầu và mục tiêu đề ra, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu: giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giám định điện tử chi phí khám, chữa bệnh BHYT thông qua hệ thống thông tin giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản… hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT được trang bị đầy đủ và vận hành hiệu quả.
Trong năm 2019, BHXH Việt Nam đã tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính của ngành, thuộc lĩnh vực giải quyết hưởng các chế độ BHXH và chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (tổng số thủ tục hành chính của ngành tiếp tục được cắt giảm từ 28 xuống còn 27 thủ tục); trình Thủ tướng đề án “Đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan”.
BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, trong đó có giám định điện tử chi phí khám, chữa bệnh BHYT thông qua hệ thống thông tin giám định BHYT. Theo đó, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối tới hơn 12.000 (gần 100%) cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến T.Ư trên phạm vi toàn quốc.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm

Trong năm 2020, BHXH Việt Nam tiếp tục cải cách chính sách BHXH, triển khai nhiều giải pháp, đạt được mục tiêu đã đề ra, cụ thể:
BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); đặc biệt là các quy định mới có hiệu lực thực hiện từ năm 2020.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền, tập trung vào các nhóm đối tượng phát triển BHXH tự nguyện.
Phối hợp với ngành bưu điện quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ông Đào Việt Ánh cho hay, trong năm 2020, BHXH Việt Nam sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các phần mềm nghiệp vụ của ngành; triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện với người dân và doanh nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.