Cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp sẽ trở thành ‘mỏ vàng’ cho doanh nghiệp

20/06/2020 09:00 GMT+7

Liên kết đầu - cuối trong chuỗi sản xuất công nghiệp vẫn chưa thực sự chặt chẽ, doanh nghiệp còn loay hoay với câu chuyện kết nối cung - cầu…

Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ra đời nhằm tháo gỡ “nút thắt” này.
Ngày 19.6, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng thế giới, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) đã tổ chức “Lễ khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam”.
Công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế, là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Song trong thời gian qua, bức tranh kết nối giữa DN sản xuất nguyên phụ liệu với DN sản xuất hoàn chỉnh vẫn rất mờ nhạt.
Do đó, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển và công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng chính sách về CNHT…
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, sau quá trình triển khai khảo sát thu thập thông tin doanh nghiệp, đến nay, Cục đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp gồm: 500 doanh nghiệp cơ khí chế tạo, 347 doanh nghiệp ô tô, 750 doanh nghiệp điện tử, 1.145 doanh nghiệp dệt may và 910 doanh nghiệp da giày.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, đây là trung tâm cơ sở dữ liệu đầu tiên trong các ngành công nghiệp đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo, CNHT. Đây cũng là bước đi đầu tiên của Bộ trong việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu để phục vụ quá trình xây dựng chính sách mang tính công khai, minh bạch, đồng bộ. Hệ thống cơ sở dữ liệu này là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối B2B trong nước với nước ngoài, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hoạt động giao thương trực tiếp gặp nhiều khó khăn, hệ thống này sẽ càng phát huy vai trò của mình, giúp doanh nghiệp kết nối và nắm bắt cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như CPTPP, EVFTA.
Là đơn vị phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu này, ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế IFC cho rằng, hệ thống dữ liệu là bước vô cùng quan trọng để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy sự kết nối DN FDI và các DNNVV thông qua ngành CNHT. Là công cụ quan trọng tìm kiếm thông tin, kết nối các chủ thể trong ngành công nghiệp, các DN trong nước cũng như các DN đầu chuỗi, DN đa quốc gia.
Tuy nhiên, đại diện IFC cũng lưu ý, cơ sở dữ liệu này chỉ là bước đầu tiên, chúng ta vẫn tiếp tục phải chung tay để cơ sở dữ liệu này được cập nhật kịp thời, phải là cơ sở dữ liệu sống. Và khi chúng ta thực hiện nỗ lực đó thì cơ sở dữ liệu sẽ trở thành “mỏ vàng” cho tất cả người sử dụng, mang lại dịch vụ giá trị gia tăng cho DN.
Ông Ivo Sieber - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam cũng vui mừng chia sẻ, Thụy Sĩ ưu tiên việc đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam gia nhập thị trường quốc tế thông qua hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực liên kết chuỗi sản xuất. “Chúng tôi luôn nỗ lực hỗ trợ chính phủ VN trong thúc đẩy các DNNVV kết nối được với DN toàn cầu. Thông qua chương trình hỗ trợ kỹ thuật, Thụy Sĩ chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho DNNVV tham gia chuỗi giá trị toàn cầu một cách hiệu quả hơn và thành công”, đại sứ Thụy Sĩ nói.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Úc, bà Robyn Mudie cũng nhấn mạnh, một trong những ưu tiên hàng đầu của Úc trong hỗ trợ này là giúp cho chuỗi cung ứng toàn cầu cởi mở và dòng thương mại hàng hóa dịch chuyển tự do. Năm 2018, Úc đã nhập khẩu hơn 60 tỉ USD hàng hóa trong lĩnh vực chế tạo của Việt Nam nhưng chiếm chưa đầy 5% lượng thương mại hàng hóa chế tạo của VN. Như vậy, còn dư địa lớn cho VN tăng tỷ trọng xuất khẩu sang Úc. Cơ sở dữ liệu hôm nay có thể giúp hai nước thực hiện mục tiêu này thông qua thúc đẩy kết nối giữa DNNVV VN với DN FDI.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.