Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị được giảm lãi vay bằng USD

Mai Phương
Mai Phương
29/04/2020 14:14 GMT+7

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có kiến nghị thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo báo cáo đánh giá tác động của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 từ VASEP, có một số đơn vị có được hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa thực sự đồng đều tại các địa phương và các ngân hàng. Một số ngân hàng đã hạ lãi suất vay cho doanh nghiệp như Vietcombank nhưng số khác vẫn chưa thực hiện vì còn đang chờ chỉ đạo chính từ hội sở.
Mặt khác, chính sách này chỉ đang áp dụng đối với khoản vay tiền đồng mà không áp dụng cho các khoản vay bằng USD. Trong khi đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thì nhu cầu vay vốn bằng tiền USD rất nhiều, nhưng chưa có chính sách hỗ trợ.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã gặp khó khăn về vốn và chậm khả năng thanh toán các khoản vay với ngân hàng nên đã bị cho vào nhóm nợ 2 (nợ bị quá hạn thanh toán trước 30 ngày). Do đó sẽ không được áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và vẫn giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Một số ngân hàng đã giảm phí thanh toán đối với các khoản thanh toán nước ngoài. Nhưng các khoản thanh toán, chuyển tiền trong nước chưa được giảm cho doanh nghiệp, vẫn duy trì mức phí là 0,033 - 0,044%/lần chuyển ngoài hệ thống ngân hàng. Các doanh nghiệp thuộc nhóm nợ 2 cũng không được áp dụng các chính sách về miễn giảm thanh toán.
Song song đó, một số nhà băng đã giảm lãi suất cho vay mới từ tháng 3 với lãi suất ưu đãi giảm 0,5% - 1,5%/năm theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, như Vietcombank cho vay với lãi suất 3,6%/năm kỳ hạn 6 tháng và cho vay bằng USD với lãi suất 2,7%/năm, kỳ hạn 4 tháng; Agribank cho vay lãi suất 4,5%/năm kỳ hạn 5 tháng… Tuy nhiên, VASEP cho rằng với các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, ngoài nguồn vốn bằng tiền đồng, doanh nghiệp cũng rất cần nguồn vốn bằng USD. Vì vậy, VASEP kiến nghị các ngân hàng hỗ trợ cho tất cả doanh nghiệp thủy sản, không phân biệt nhóm nợ, loại hình của doanh nghiệp.
Trong trường hợp DN bị cách ly hoàn toàn, đề nghị các khoản nợ tại ngân hàng của DN trong thời gian cách ly không bị tính lãi vay và không tính thời gian vào thời hạn cho vay. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với đồng USD cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tương tự như các chính sách hỗ trợ bằng tiền đồng; bổ sung thêm chính sách giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…
Báo cáo của VASEP cho thấy, khi dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp trên diện rộng, hầu hết tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Tỷ lệ các đơn hàng được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30 - 50%. Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn, dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20 - 40% và 20 - 30%). Từ đó khiến các doanh nghiệp gặp khó trong vấn đề thanh toán khi nhiều khách hàng yêu cầu lùi thời gian thanh toán cả vài tháng. Dẫn đến các doanh nghiệp không xoay vòng được vốn và thanh toán các khoản vay với ngân hàng. Mặc dù đến nay, đã có một số ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay nhưng chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới, các khoản vay cũ không được áp dụng. Ngược lại, doanh nghiệp vẫn bị “gánh” nhiều loại chi phí như phí chuyển tiền trong và ngoài nước, phí xử lý bộ chứng từ, phí báo Có tiền về, phí điều vốn, phí L/C, phí chiết khấu, phí quản lý tài khoản, phí 10 nhắn tin, phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí điện, phí gởi hồ sơ, phí báo có... cũng như phát sinh nhiều khoản chi phí mới như chi phí thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, chi phí lưu container tại cảng hay mua trang thiết bị y tế để phòng tránh dịch Covid-19 (khẩu trang y tế, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn,...). Ngoài ra, các chi phí đầu vào tăng cao đáng kể như điện, nước, nguyên vật liệu, tiền lương công nhân…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.