Doanh nghiệp 'sợ' được hỗ trợ

12/07/2016 06:00 GMT+7

Rất nhiều bức xúc đã được các doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo góp ý cho dự thảo luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) chủ trì hôm 11.7.

"Như cá nằm trên thớt"
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp (DN) Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ đã phải kêu lên như vậy để nói về những bức xúc mà các DN nhỏ và vừa - chủ yếu là các công ty tư nhân như của ông vấp phải. Ông kể, 10 năm trước, hưởng ứng lời kêu gọi của địa phương về xây dựng hạ tầng cho khu kinh tế Nghi Sơn, DN đã đầu tư một nhà máy cấp nước. Ông khẳng định, nhà máy hoàn toàn đáp ứng về công suất và các tiêu chuẩn vượt chỉ tiêu, song đến nay vẫn không thể vào cấp nước cho khu kinh tế vì lý do… không đủ tiêu chuẩn. Tương tự, để làm nhà khám bệnh trên đất bỏ hoang nhiều năm, DN cũng trầy trật xin giấy phép xin dựng mấy tháng liền không xong, đến khi cất lên thì bị phá dỡ. Đây là những ví dụ cho thấy nạn nhũng nhiễu đối với DN ở địa phương còn lớn. “Chúng tôi như cá nằm trên thớt”, ông Đệ nói và cho rằng, với quy định như hiện nay, khi kiểm tra thì bảo vi phạm cũng được mà không cũng được. Ở trên Chính phủ quyết liệt, đồng hành với DN nhưng không ngấm xuống địa phương được. Hướng về phía bàn chủ tọa, nơi có mặt Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, ông kiến nghị T.Ư cử đoàn công tác đặc biệt về Thanh Hóa.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội DN Ninh Bình, ông Nguyễn Xuân Thành thì cho rằng các chính sách chưa khuyến khích DN nhỏ và vừa đầu tư, thậm chí đang phân biệt đối xử so với các công ty lớn, nhất là tiếp cận mặt bằng và lãi suất. “Ở địa phương tôi, nhiều cụm công nghiệp đã được xây dựng hơn 10 năm nay nhưng chưa thu hút được DN nhỏ và vừa vào hoạt động do thuế đất còn cao. Cũng vì thế mà nhiều công ty muốn đầu tư vào xây dựng hạ tầng công nghiệp nhưng còn ngần ngại vì chính sách chưa đủ mạnh”, ông Thành nói. Theo ông, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần dành một quỹ đất nhất định với giá thuê rẻ hơn, thuế suất thấp hơn để ưu tiên cho các công ty nhỏ và vừa.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông thừa nhận, vẫn còn nhiều bất cập trong chính sách ưu tiên cho khối này, nhất là lãi suất, mặt bằng và thuế phí. Ông Đông cho hay, khi lấy ý kiến, cũng có người đặt vấn đề khu công nghiệp do DN bỏ tiền ra đầu tư nên nhà nước không thể áp đặt chuyện giá phí. “Tuy nhiên, quan điểm của ban soạn thảo, đất đai là tài nguyên của quốc gia nên dù anh có bỏ tiền làm thì cũng nên chia sẻ với nhà nước, do vậy ban soạn thảo mạnh dạn đưa vào dự thảo luật cần có cơ chế hỗ trợ trong vấn đề này”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông bày tỏ. Ông Đông cho biết, dù hiện nhiều ngân hàng đã có gói tín dụng cho DN nhỏ và vừa nhưng Chính phủ vẫn muốn nâng lên thành luật, để từ đó có tính pháp lý cao hơn, thực hiện hiệu quả hơn.
Phải chi mới xin được hỗ trợ
Đại diện DN đến từ TP.Cần Thơ cho biết, nhiều công ty không quan tâm đến các gói hỗ trợ nữa vì biết để có được tiền là chuyện không dễ. “Chúng tôi nghe nói hỗ trợ là sợ lắm vì chi phí đi xin để có được khủng khiếp lắm, chưa kể thủ tục thì phức tạp. Chắc chỉ có nhóm thân quen mới làm được”, ông nói.
Ông Nguyễn Văn Đệ dẫn chứng thêm, khi tìm đến quỹ hỗ trợ thì họ đòi phải có bảo lãnh ngân hàng. Chạy sang ngân hàng thì yêu cầu đủ thủ tục, điều kiện. “Nếu đủ điều kiện thì chúng tôi cần gì bảo lãnh. Còn nếu đủ thủ tục để vay ngân hàng thì cần gì phải quỹ hỗ trợ”, ông ngao ngán. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ, các DN phản ánh để nhận được hỗ trợ tín dụng là một hành trình đầy gian nan, thậm chí là rủi ro vì chi phí bỏ ra lớn. “DN chỉ xin được hai chữ “bình đẳng” và bỏ hai chữ “xin cho” đi là được”, ông nói.
Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực chỉ ra rằng, việc thủ tục rườm rà chính là rào cản khiến DN không được lợi từ các quỹ hỗ trợ. “Đó là câu chuyện chồng chéo trong thẩm định. Làm sao để chỉ cần thẩm định một lần rồi công nhận kết quả lẫn nhau để bớt phiền hà cho DN”, ông chia sẻ.
Dẫn các số liệu điều tra chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI thực hiện, ông Lực phân tích: Còn 62 - 70% DN trả lời chi phí không chính thức lên đến 10% doanh thu. Cũng có hơn 60% DN kêu còn bị nhũng nhiễu. “Do vậy, nếu dự thảo luật có điều khoản nào để tập trung kéo giảm chi phí "ngầm" này thì DN họ không cần hỗ trợ đâu”, ông nói.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết nếu các DN FDI chỉ kêu than chuyện thuế, hải quan thì DN nhỏ và vừa lại khó nhất chuyện vốn và đất đai nên dự thảo luật cần tập trung tháo gỡ các rào cản này. “Làm sao để DN nhìn vào luật thấy mình được cái gì chứ không phải đi xin nữa”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.