Doanh nghiệp phá sản có phải kế 'kim thiền thoát xác'?

Mai Phương
Mai Phương
01/12/2018 07:22 GMT+7

Số lượng doanh nghiệp có vốn trên 100 tỉ đồng ngừng hoạt động gia tăng, nhưng song song đó, lượng công ty mới ra đời cũng cao hơn gần gấp đôi.

Ngưng hoạt động, giải thể... lợi hơn!
Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho thấy từ đầu năm đến hết tháng 11, cả nước có 97.969 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số đó, nhóm DN có quy mô vốn trên 100 tỉ đồng có tỷ lệ ngừng kinh doanh và giải thể tăng cao nhất với 802 đơn vị, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính đến hết tháng 10, số DN ngừng kinh doanh có thời hạn đã có tỷ lệ tăng đến 96,8% về số lượng, dẫn đầu là lĩnh vực khai khoáng và bất động sản. Đáng nói, ở chiều ngược lại, số DN có quy mô vốn trên 100 tỉ đồng ra đời trong thời gian qua đạt 1.516 đơn vị, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy số lượng công ty ra đời mới gần gấp đôi so với số ngừng hoạt động và giải thể.

Nếu DN cố tình bỏ trốn, thậm chí nhiều DN có khi không báo cáo thuế vài năm thì cơ quan thuế cũng không đủ sức để truy tìm

Chuyên gia tư vấn về thuế Trần Xoa

Nhận định về số lượng DN quy mô trên 100 tỉ đồng ngừng hoạt động hay giải thể đang gia tăng, TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, cho rằng có thể do nhiều nguyên nhân. Nhưng số công ty ra đời mới có quy mô lớn vẫn gấp đôi số lượng đơn vị ngưng hoạt động cho thấy nguyên nhân chính không phải do DN gặp khó khăn hay môi trường kinh doanh xấu đi.
Vì vậy, thời gian qua có thể nhiều đơn vị, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản sau khi triển khai một dự án và bán cho khách hàng xong thì giải thể; khi có dự án mới lại lập ra một công ty khác. Thậm chí, có nhiều trường hợp không làm thủ tục đăng ký giải thể mà chỉ tạm ngưng hoạt động, chuyển nhượng lại dự án cho một đối tác mới (có thể cùng một chủ đầu tư lập ra) để thoát một phần trách nhiệm trong những việc liên quan, nhất là ở khâu đền bù, giải phóng mặt bằng.
Quả bom nổ chậm
Quy định thông thoáng trong việc đăng ký thành lập DN như không khống chế vốn điều lệ tối thiểu, không yêu cầu đặc biệt, trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên bất kỳ ai có 10 triệu đồng cũng mở được công ty và có thể làm chủ DN, có con dấu và hóa đơn hợp pháp... Nhưng sau đó, nhiều công ty đã tự ngưng hoạt động mà không thông báo.
Chủ nợ, khách hàng và thậm chí cơ quan thuế đến tận địa chỉ đăng ký thì DN đã trả lại văn phòng thuê. Cũng không ít trường hợp chủ DN đã đến một tỉnh thành khác để mở công ty hoàn toàn mới hay thậm chí thuê người khác đứng tên đăng ký DN rồi lại hoạt động bình thường dù công ty cũ đang bị cơ quan thuế hay nhiều khách hàng truy lùng.
Ngành hải quan từng cho biết, nhiều trường hợp DN lợi dụng chính sách ân hạn thuế trong hoạt động nhập khẩu hàng hóa, sau đó bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh khiến cơ quan này không thể thu hồi được nợ thuế...
Chuyên gia tư vấn về thuế Trần Xoa cảnh báo, khi DN ra đời có đăng ký thuế và được phát hành hóa đơn, có khi số lượng hóa đơn đăng ký lên cả 10.000 số, đủ để có thể cung cấp cho khách hàng trong cả chục năm. Do đó có trường hợp DN đi khỏi nơi đăng ký hoạt động, không báo cáo thuế... nhưng vẫn giao dịch và phát hành hóa đơn.
Điều này tiềm ẩn rủi ro cho các DN khác nếu bị cơ quan thuế phát hiện và cho rằng hóa đơn đó không còn hợp lệ. Trong khi đó, chưa có quy định quản lý hoạt động của DN thuộc cơ quan nào, DN sau khi cấp phép có hoạt động hay không, có kinh doanh đúng theo đăng ký hay không... có lẽ không ai biết.
“Theo quy định, nếu DN không nộp báo cáo thuế cuối năm thì cơ quan thuế có thể đề nghị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, nếu DN cố tình bỏ trốn, thậm chí nhiều DN có khi không báo cáo thuế vài năm thì cơ quan thuế cũng không đủ sức để truy tìm. Rủi ro tiềm ẩn chính là việc nợ thuế tăng cao không thu hồi được cũng như sẽ lây lan đến các DN kinh doanh đàng hoàng. Vì vậy VN vẫn còn nhiều điều cần xem xét, chỉnh sửa và bổ sung để quy trình cấp phép và quản lý DN chặt chẽ hơn nhưng vẫn đảm bảo tránh gây phiền hà cho hoạt động DN”, ông Trần Xoa chia sẻ thêm. 
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, nếu đăng ký giải thể thì có rất nhiều thủ tục phải thực hiện và mất nhiều thời gian nên các công ty không muốn làm. Vì vậy đơn giản hơn là chỉ thông báo tạm ngừng hoạt động hoặc thậm chí cứ im lặng, đóng cửa trụ sở cũ và biến mất. Sau đó lại mượn tên đăng ký một DN mới để hoạt động tiếp. Xét về pháp lý, mọi trách nhiệm và nghĩa vụ với nhà nước, khách hàng công ty đều phải gánh chịu vì chưa làm thủ tục giải thể; nhưng có khi cả cơ quan thuế, khách hàng... đều không thể tìm ra đơn vị này ở đâu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.