Doanh nghiêp nội nhập siêu, ngoại xuất siêu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
22/04/2021 15:31 GMT+7

Trong nửa đầu tháng 4, cán cân thương mại bất ngờ đổi chiều từ thặng dư sang thâm hụt với mức nhập siêu vọt lên 1,31 tỉ USD.

Theo thống kê Tổng cục Hải quan mới công bố, 15 ngày đầu tháng 4, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt gần 27 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 12,65 tỉ USD, nhập khẩu đạt 13,96 tỉ USD.

Nhập siêu từ khối doanh nghiệp nội

Như vậy, 15 ngày đầu tháng này, cả nước nhập siêu 1,31 tỉ USD, trái ngược hoàn toàn với đà xuất siêu lâu nay. Trước đó, hết quý 1, Việt Nam xuất siêu 2,79 USD.
Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15.4, cả nước vẫn xuất duy trì thặng dư thương mại với số xuất siêu đạt gần 1,5 tỉ USD. Cụ thể, đến ngày 15.4, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt xấp xỉ 91 tỉ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương con số tăng thêm 19,23 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu đạt 89,5 tỉ USD, tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương con số tăng thêm gần 20,2 tỉ USD.
Đặc biệt, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 4 đạt 126,7 tỉ USD. Nguyên nhân chính dẫn đến cán cân thương mại thâm hụt trong kỳ đầu tháng 4, theo Tổng cục Hải quan là đến từ khối doanh nghiệp trong nước khi khu vực này nhập siêu tới 1,71 tỉ USD còn khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn xuất siêu 406 triệu USD.
Trong đó, có 2 nhóm hàng nhập có kim ngạch hơn 2 tỉ USD tập trung vào nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,82 tỉ USD; và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,025 tỉ USD. Một số mặt hàng nhập khẩu khác tăng mạnh như: Vải các loại 683 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 658 triệu USD; sắt thép các loại đạt 593 triệu USD.

Khối ngoại xuất siêu, làm chủ cuộc chơi

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận xét, nhìn vào rổ nhập khẩu cho thấy, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị vi tính, điện tử và phụ tùng tăng vọt. Khách quan mà nói, khu vực này đang có nhiều dấu hiệu mở rộng đầu tư, nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị để đầu tư là chính. Bên cạnh đó là hoạt động lắp ráp, gia công cũng tăng mạnh. “Nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy, khối nội đang gia tăng nhập khẩu máy móc sản xuất thời hậu Covid-19. Đây là điều đáng mừng!”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một vài số liệu lại cho thấy doanh nghiệp có vốn FDI chiếm tới 70,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Cụ thể, trong tháng 3, Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong tháng 3 đạt 40,12 tỉ USD, tăng 36,7% so với tháng trước. Tính lũy kế hết quý 1 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong quý 1 đạt 108,67 tỉ USD, tăng 29,9%, tương ứng tăng 24,98 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này đạt 21,93 tỉ USD, tăng hơn 42% so với tháng trước, đưa kim ngạch cả quý lên 58,95 tỉ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 3 đạt 18,18 tỉ USD, tăng 30,7% so với tháng trước và kim ngạch cả quý 1 đạt 49,72 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Theo tính toán của Tổng cục Hải quan, tính hết quý 1, cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI vẫn thặng dư đến 9,23 tỉ USD.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: “Khối doanh nghiệp nội mở rộng đầu tư là đáng mừng, song kết quả, hàng hóa xuất khẩu đâu không thấy là bao. Khối ngoại vẫn chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Như vậy, điều đáng lo ngại là doanh nghiệp nội không chỉ chưa làm chủ tốt công nghệ, phụ thuộc nhiều máy móc, thiết bị từ nước ngoài, không những thế, gia công và làm thuê cho các công ty ngoại là chính. Khối ngoại vẫn xuất siêu, làm chủ cuộc chơi. Đây là “mảng tối” trong bức tranh sáng của ngành công thương là kim ngạch xuất khẩu tháng sau lúc nào cũng cao hơn tháng trước, nhưng lõi bên trong thì vắng bóng doanh nghiệp nội”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.