Doanh nghiệp nỗ lực giữ chân người lao động

Chí Hiếu
Chí Hiếu
03/08/2021 09:22 GMT+7

Doanh nghiệp bé thì thuê khách sạn, thuê xe riêng đưa lao động đi làm. Tập đoàn lớn thì tăng phúc lợi, mua bảo hiểm để giữ chân công nhân.

Tất cả đều chung mục tiêu là tránh đóng cửa nhà máy, duy trì sản xuất dù ở mức độ nhỏ hơn.

Mua bảo hiểm, trả lương cả ngày nghỉ cách ly

Là tập đoàn sản xuất, phân phối thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu lớn, Masan vài tháng nay luôn lo ngại sản xuất bị gián đoạn, cung ứng hàng bị đứt gãy do người lao động xin nghỉ việc nhiều.
Trả lời Thanh Niên, cả lãnh đạo Cục Công nghiệp và một số chuyên gia kinh tế cho rằng do tính chất gắn kết chặt chẽ, liên tục của chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị các ngành công nghiệp trên thế giới, nên nếu VN đánh mất các đơn hàng cung ứng cho các quốc gia này trong thời gian tới thì các nhà mua hàng và sản xuất lớn sẽ tìm kiếm sự bù đắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ quốc gia khác. Đến khi dịch được kiểm soát, DN khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất. Vì vậy, việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng, dù ở một mức độ nhỏ hơn là cực kỳ quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn.
“Ngay các nhà máy ở ngoại thành như Long An, Bình Dương hay Hà Nam, có thời điểm số lao động, nhất là nữ xin nghỉ lên đến cả trăm người, vì lao động nữ thực hiện “3 tại chỗ” khó khăn hơn lao động nam rất nhiều, từ điều kiện ăn ở, cho đến phải chăm sóc con nhỏ nên không thể xa nhà nhiều ngày”, đại diện nhà máy Meat Deli chia sẻ.

TP.HCM có bao nhiêu người trong lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19?

Tương tự, thời điểm TP.HCM và các tỉnh phía nam bắt đầu giãn cách, hệ thống siêu thị được huy động tối đa để cung ứng đồ thiết yếu cho người dân vùng phong tỏa, thì cũng là lúc nhiều nhân viên siêu thị Vinmart và Vinmart+ xin tạm nghỉ. Trước áp lực thiếu lao động nghiêm trọng, doanh nghiệp (DN) một mặt làm công tác tư tưởng, mặt khác tung ra nhiều giải pháp về tài chính, chế độ nhằm động viên, bảo vệ người lao động.
“Tập đoàn tổ chức xét nghiệm cho công nhân định kỳ tại nhà máy để họ không phải đi lại nhiều. Sẵn sàng trả lương cho F1, F2 nếu bắt buộc phải cách ly ở nhà. Còn cán bộ nhân viên mà bị F0 thì được hỗ trợ ban đầu 5 triệu đồng. F0 nào có hoàn cảnh khó khăn thì được DN hỗ trợ đặc biệt. Chi phí nào không thuộc phạm vi nhà nước và bảo hiểm chi trả thì công ty hỗ trợ toàn bộ. Đặc biệt, cán bộ nhân viên được tặng cả gói bảo hiểm sức khỏe với quyền lợi bảo hiểm 40 triệu đồng”, đại diện Masan cho biết, nhờ vậy, số lao động xin nghỉ giảm hẳn.
Chị Hoàng Uyên Phương, chủ một DN sản xuất đồ gia dụng tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi (Hà Nội), kể rằng vào tuần trước, cụm công nghiệp thông báo TP giãn cách, công ty đấu tranh mãi để được duy trì gần 30% số lao động hoạt động bình thường. “Chúng tôi cam kết phải thuê khách sạn, tổ chức xe riêng khép kín cho số công nhân này mới được vào nhà máy. Dù chi phí lên cao, hàng lúc này không bán được nhưng DN cũng phải duy trì sản xuất, vì đặc thù lao động cần tay nghề nhất định nên sợ rằng nếu bây giờ cho nghỉ hết thì khi dịch đi qua, việc khởi động lại sản xuất sẽ bị trễ và tốn kém hơn rất nhiều”, chị Phương nói.

Đề xuất tiêm vắc xin Nanocovax cho 1 triệu người để ngừa Covid-19

Chia nhỏ nhà máy để giảm rủi ro

Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó giám đốc Nhà máy Đạm Phú Mỹ, cho biết 2 tháng qua, DN đã thuê khách sạn ở cả thị xã Phú Mỹ và TP.Vũng Tàu để làm nơi cách ly cho khối sản xuất. Từ đầu tháng 6 đến nay, nhà máy đã được vận hành theo chế độ “level 2”, với 2 ca 4 kíp thay nhau làm việc.
“Tức là 1 kíp làm việc thì 1 kíp nghỉ ngơi và thực hiện cách ly ngay tại hội trường nhà máy trong thời gian chờ đổi ca. 2 kíp kia được chia ra cách ly tại khách sạn ở Phú Mỹ và ở tại TP.Vũng Tàu để đảm bảo giãn cách, giảm rủi ro trong phòng dịch. Điều này còn giúp cân bằng trạng thái tâm lý, tư tưởng, sức khỏe cho người lao động sau những ngày làm việc xa nhà, xa vợ con”, ông Hùng cho biết.
Là nhãn hàng đa quốc gia với nhiều nhà máy ở Đông Nam Á, Nike cuối tháng 7 thông qua Công ty TNHH Nike VN đã gửi lên Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) một số đề xuất nhằm duy trì sản xuất mà theo Nike là “đã áp dụng thành công ở nhà máy đóng tại Indonesia và Campuchia” là “2 tại chỗ” và “50 - 50”. Cụ thể, “2 tại chỗ” thì người sử dụng lao động cung cấp 3 bữa ăn (sáng, trưa, tối) cho công nhân tại DN. Người lao động vẫn sống cùng gia đình nhưng di chuyển đến nơi làm từ sớm và trở về nhà lúc muộn, đồng thời cam kết không di chuyển sang các địa điểm khác trong quá trình này và được duy trì test nhanh.
Còn “50 - 50” là cho phép một nửa người lao động đi làm trong nửa tháng đầu, một nửa đi làm trong nửa tháng sau, hoặc nếu làm theo ca thì bố trí công việc cho một nửa lao động của mỗi ca. Theo Nike, cả hai cách này đều vẫn giúp người lao động tiếp tục chăm sóc gia đình, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp khi bỏ chế độ ăn 3 bữa tại nhà máy.
“Tỷ lệ này có thể linh hoạt trong một khung nhất định chứ không cần tuyệt đối phải là 50% người lao động, và có thể bàn thảo thêm để ra một số tiêu chí. Ví dụ ưu tiên người lao động sống ở khu vực “xanh”, ít hoặc không có ca nhiễm trong cộng đồng. Duy trì test nhanh hằng tuần và test cho nửa lao động chuẩn bị đi làm”, đại diện Nike cho hay và phân tích thêm, trong quá trình vận hành theo từng giai đoạn nới lỏng trên, nếu phát hiện có F0, F1, thì tạm dừng các chuyền, xưởng liên quan mà không đóng cửa toàn bộ nhà máy.
“Cách này có tính khả thi cao vì từ nhiều tháng nay, các đối tác của Nike đã xây dựng và áp dụng phương án phân tách nhằm giảm sự tương tác tối đa giữa các ca, dây chuyền hoặc phân xưởng”, theo đại diện của Nike.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.