Doanh nghiệp nhà nước không phải đầu tàu dẫn dắt năng suất

Vũ Hân
Vũ Hân
11/04/2018 17:32 GMT+7

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB, cho rằng theo kinh nghiệm của nhiều nước thì tăng năng suất chủ yếu nằm ở FDI và khu vực tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước không phải là đầu tàu để dẫn dắt tăng trưởng năng suất.

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên trong họp báo công bố báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á 2018” sáng 11.4 về khuyến nghị liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, việc Nhà nước có nên giữ các doanh nghiệp làm ăn tốt và có thương hiệu để xây dựng nền sản xuất nội địa như nhiều ý kiến dư luận nổi lên sau thương vụ Sabeco, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, quan trọng nhất là hiệu quả cuối cùng.
“Về cơ bản, vai trò của Chính phủ là tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, chỉ duy trì vai trò của mình trong những lĩnh vực kinh doanh thực sự cần thiết. Việc Chính phủ giữ các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn có lãi cũng có những tác động tích cực, nhưng thoái vốn cũng kích thích tăng trưởng, tạo ra nhiều lao động, việc làm hơn và sẽ dẫn đến tăng năng suất cao hơn”, ông Sidgwick cho biết.
“Ở đây, chúng ta nói đến hiệu quả và quan trọng là hiệu quả, vì nếu doanh nghiệp Nhà nước hoạt động tốt, quản trị tốt, minh bạch thì không có vấn đề gì cả. Vấn đề nó nên được sở hữu bởi Nhà nước hay tư nhân không còn quan trọng nữa. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của rất nhiều nước trong nhiều năm thì tư nhân có thể điều hành kinh tế tốt hơn. Tăng năng suất chủ yếu nằm ở FDI và khu vực tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước không phải là đầu tàu để dẫn dắt tăng trưởng năng suất”.
“Bán doanh nghiệp 1 lần thì Nhà nước chỉ có doanh thu trong 1 năm thôi, để doanh nghiệp hoạt động tốt trong nhiều năm, mang lại nguồn thu ổn định còn quan trọng hơn. Tuy nhiên, thoái vốn không chỉ giúp tạo ra hiệu quả hoạt động của chính doanh nghiệp mà còn tạo ra nhiều dư địa hơn cho doanh nghiệp tư nhân, để họ có thể cạnh tranh. Một số lĩnh vực hiện nay Chính phủ vẫn còn giữ kiểm soát thông qua vốn, hay đất đai, hay cơ chế ưu đãi. Chúng ta muốn kinh tế tăng trưởng với mô hình hiệu quả hơn, nhưng nó cần thể hiện trong lĩnh vực nào của nền kinh tế thì đó là lựa chọn của Chính phủ”, ông Sidgwick bày tỏ.
Doanh nghiệp FDI đang được ưu đãi nhiều hơn doanh nghiệp trong nước
Các chuyên gia ADB cho rằng, đúng là doanh nghiệp FDI được ưu đãi nhiều hơn doanh nghiệp trong nước và đây là chiến lược của Chính phủ Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo các chuyên gia ADB, việc Việt Nam dựa quá nhiều vào FDI đã được chỉ ra như một thách thức rất lớn khi các doanh nghiệp trong nước đã không hội nhập được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI cũng như chuỗi toàn cầu, nên tỷ lệ tạo việc làm và tăng trưởng lan tỏa của nguồn vốn FDI thấp. Tuy nhiên, chúng ta đang bắt đầu nhìn thấy dịch chuyển đáng kể.
“Bức tranh FDI có thay đổi. Nếu cách đây 4 năm, LG, Samsung, Intel... là các doanh nghiệp dẫn dắt chính nguồn FDI đổ vào Việt Nam, thì hiện nay nguồn vốn đầu tư đã đa dạng hơn, phản ánh việc mở rộng các loại hình đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Sự phát triển sẽ dàn đều và rộng khắp hơn”, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế trưởng ADB, nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.