‘Doanh nghiệp muốn kiện hải quan lắm, nhưng không dám’

Chí Hiếu
Chí Hiếu
15/07/2021 12:35 GMT+7

Oan ức trong khi xác định mã hàng hoá và trị giá hải quan, nhiều doanh nghiệp muốn kiện hải quan nhưng họ lại… không dám!

Tại hội thảo công bố báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020”, được tổ chức sáng nay (15.7) bởi Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan, câu chuyện oan ức trong xác định mã HS và trị giá hải quan được đề cập nhiều, và doanh nghiệp cho biết họ muốn kiện hải quan nhưng họ lại… không dám! 
Trình bày tóm tắt báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết cảm nhận chung của doanh nghiệp (DN) với các thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu đã cải thiện nhiều, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều điểm nóng khiến cộng đồng DN chưa hài lòng.
“Nhóm thủ tục xác định mã HS và trị giá hải quan là vấn đề lớn, vấn đề nóng hiện nay mà nhiều DN khác nhau rất quan tâm", ông Đậu Tuấn nói và dẫn chứng, nếu năm 2018 tỷ lệ DN gặp khó trong thủ tục xác định mã HS giai đoạn trước khi khai hải quan ở mức 66,3% thì kết quả điều tra mới nhất lên đến 76,2%.
Trong khi đó, cứ 10 DN được hỏi thì có gần 5 DN gặp trở ngại ở khâi xác định trị giá hàng hoá. “Việc áp dụng mã HS nhiều khi không thống nhất giứa chính các cơ quan hải quan với nhau. Nhiều lúc DN bị truy thu xử phạt do cách hiểu khác nhau giữa các công chức hải quan thực thi”, ông Tuấn nói.
Thế nhưng, việc DN tham vấn mã HS với cơ quan hải quan cũng không dễ dàng và kết quả giám định mã HS cũng mất nhiều thời gian. Thậm chí, ông Tuấn kể, có trường hợp một số nơi cơ quan hải quan “sớt trên trang bán hàng thương mại điện tử để xác định trị giá hàng hoá, trong khi DN không mua hàng trên mạng mà họ mua đơn trực tiếp với nhà máy nên DN không tâm phục khẩu phục”.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM, thuộc Bộ KH-ĐT), thì nhấn mạnh vấn đề xác định trị giá hàng hoá khi khai hải quan không thống nhất là câu chuyện tồn tại lâu rồi nhưng vẫn nóng.
“Điển hình là với mặt hàng thiết bị y tế, mã số HS mà các bộ xác định khác với hải quan, dẫn đến mức thuế khác nhau và điều này làm khó cho DN. Đây cũng là vấn đề mà các cty logistics gặp rất nhiều. Nhiều DN nói muốn kiện hải quan lắm nhưng không dám kiện”, bà Thảo dẫn chứng, và kiến nghị tới đây hải quan nên nghiên cứu, đưa ra hệ thống, cơ chế xác định trị giá hàng hoá để DN khi được áp dụng thì không cảm thấy bức xúc.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cũng nhận xét rằng bảng mã HS quá dài, "hôm nay hải quan quy về mã này nhưng hôm sau quy mã khác". “Hai tuần trước thôi, khi họp ở Tổng cục Hải quan, chúng tôi phản ánh, được lãnh đạo gọi điện thì mới giải quyết’, ông Trung kể.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết báo cáo "Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu" năm 2020 được dựa trên kết quả phản hồi của 3.657 DN đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất xuất khẩu, gia công, chế xuất, dịch vụ logistics và đại lý hải quan…
Báo cáo phản ánh chi tiết tình hình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, cũng như đề xuất kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi và góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.