Doanh nghiệp đóng cửa, công nhân ngành tơ tằm mất việc vì “3 tại chỗ”

15/09/2021 18:37 GMT+7

Đó là thực trạng nhiều nhà máy ươm tơ, dệt lụa trong ngành tơ tằm hiện nay.

Ngày 15.9, ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, cho biết do dịch Covid-19 kéo dài, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các nhà máy ươm tơ, dệt lụa phải thực hiện “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ). Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được phải tạm đóng cửa, khiến công nhân không có việc làm, còn giá kén giảm sút.

Nhà máy dệt lụa ở TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng

LÂM VIÊN

Cụ thể, các nhà máy của Công ty cổ phần Tổng công ty dâu tằm tơ Việt Nam ở TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) đóng cửa suốt 4 tuần nay do không đáp ứng được 3 tại chỗ cho công nhân. Do đó, gần 400 người lao động không có việc làm, đời sống khó khăn. Một số doanh nghiệp tổ chức được “3 tại chỗ” thì chi phí sản xuất tăng thêm 30%, đẩy giá thành sản phẩm lên cao nhưng giá xuất khẩu tơ lụa lại giảm nên khó chồng khó.
Ông Phạm Xuân Sanh, HĐTV Công ty TNHH Dệt tơ tằm Việt Silk (Công ty Việt Silk), thông tin: “Công ty Việt Silk có 150 công nhân, nhưng do thực hiện 3 tại chỗ nên chỉ có 60 công nhân đến làm việc, gần 100 công nhân phải nghỉ ở nhà. Việc thực hiện 3 tại chỗ khiến chi phí sản xuất tăng hơn 30%, trong khi phải thu hẹp sản xuất 30% để đáp ứng”.
Theo ông Sanh, đến nay lực lượng công nhân các nhà máy trong ngành dâu tằm tơ chưa được tiêm vắc xin Covid-19, cũng như chưa nhận được sự hỗ trợ nào của nhà nước do bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Công nhân làm việc trong các nhà máy ươm tơ, dệt lụa.

LÂM VIÊN

Trao đổi với PV, ông Thọ và ông Sanh đều cho rằng, việc sản xuất trong các nhà máy ươm tơ, dệt lụa có tính đặc thù “giãn cách” rất cao trong quá trình làm việc. Một công nhân đứng máy dệt thì khoảng cách giữa người này và người kia cách nhau hơn 5 m, vượt xa khoảng cách 5K của Bộ Y tế quy định. Công nhân xe tơ cũng tương tự.
Các doanh nghiệp mong tỉnh Lâm Đồng vận dụng linh hoạt theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tháo gỡ “3 tại chỗ” để họ giảm bớt khó khăn và từng bước ổn định sản xuất, cải thiện đời sống cho người lao động.
Theo ông Đặng Vĩnh Thọ, trước khi tỉnh Lâm Đồng áp dụng 3 tại chỗ đối với các nhà máy ươm tơ, dệt lụa giá kén nông dân bán tại H.Lâm Hà (Lâm Đồng) 155.000- 160.000đồng/kg kén. Sau khi thực hiện "3 tại chỗ" để phòng dịch Covid-19, nhiều nhà máy không đáp ứng được phải tạm đóng cửa nên giá kén rớt xuống chỉ còn 130.000/kg khiến người trồng dâu nuôi tằm gặp khó khăn hơn.
Theo Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam, cả nước có 32 tỉnh thành có nghề trồng dâu nuôi tằm, với diện tích trồng dâu khoảng 15.000 ha, riêng tỉnh Lâm Đồng có gần 9000 ha và chiếm 73% sản lượng tơ của cả nước. Hiện nay tỉnh Lâm Đồng có 120 cơ sở nuôi tằm tập trung, 170 cơ sở thu mua kén tằm và 30 cơ sở ươm tơ, dệt lụa.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.