Điện trên mái nhà vẫn ì ạch: Bán điện lên lưới nhưng không thể thu tiền

Chí Nhân
Chí Nhân
25/08/2018 14:52 GMT+7

Điện mặt trời trên máy nhà được xem là tiềm năng lớn, cơ hội tốt để xã hội hóa ngành điện nhưng chưa thể phát triển vì có cơ chế nhưng lại vướng... chính sách.

“Mới nuôi bê đã bị dọa vắt sữa bò”
Ở góc độ là người đầu tư điện mặt trời trên mái nhà PGS-TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ, bức xúc: Tôi lắp điện mặt trời trước khi có Quyết định 11 và Thông tư 16 (cơ chế bù trừ điện năng và giá thu mua điện mặt trời). Khi có cơ chế, tôi liên hệ với điện lực Cần Thơ để nối lưới. Họ trả lời: Nối lưới thì được nhưng… muốn bán điện và thu được tiền thì phải cung cấp hóa đơn cho EVN (Tập đoàn điện lực Việt Nam) vì nó liên quan tới việc tính thuế. “Tôi có cảm giác mình mới mua con bê về nuôi mà bị người ta vô đòi vắt sữa bò. Tại sao một cơ chế có ý nghĩa xã hội lớn như vậy lại bị vướng chính sách vô lý như thế?”, TS Tuấn bức xúc.
TS Tuấn nói: Chính sách điện trên mái nhà nhằm khuyến khích người dân tham gia đầu tư năng lượng tái tạo, giảm nhu cầu về nguồn cung và áp lực cho ngành điện. Một hộ dân lắp mấy tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà vừa bảo vệ môi trường vừa giảm tải cho ngành điện sao lại bị đè ra đánh thuế? Rồi để được hưởng cơ chế đó họ phải đi thành lập doanh nghiệp để có hóa đơn chứng từ nộp cho ngành điện? Mất bao nhiêu thời gian, chi phí, nguồn lực xã hội?
Đó là thực trạng chung của 748 hộ có điện trên mái nhà nối lưới hiện nay, sau hơn 1 năm Quyết định 11 có hiệu lực. Trên thực tế, ngành điện nối lưới cho các trường hợp này, ghi nhận điện lượng 2 chiều và tiếp tục chờ chính sách tháo gỡ.
Không chỉ thế, các doanh nghiệp khi lắp điện trên mái nhà cho người dân còn phản ánh tình trạng tùy tiện của ngành điện khi áp dụng phí kiểm định - mỗi địa phương một giá, có nơi tính phí cao phi lý. Có nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư phát triển hệ thống điện trên mái nhà quy mô lớn chưa dám “xuống tay” vì cơ chế sắp hết hạn, những vướng mắc, chưa rõ ràng lại không được giải quyết.
Chưa thanh toán được cho bên bán
Có mặt tại tọa đàm trong chương trình Tuần lễ năng lượng tái tạo 2018 đang diễn ra, ông Nguyễn Minh Hải, đại diện Cục Điện lực (Bộ Công thương), thừa nhận: Hiện nay việc phát triển điện mặt trời trên mái nhà còn bị vướng rất nhiều thứ nên chưa thể phát triển.
Theo ông Hải, do cơ chế bù trừ sản lượng của điện mái nhà mâu thuẫn với luật thuế nên EVN nhận đăng ký lắp đặt, ghi nhận sản lượng 2 chiều trong thực tế nhưng việc thanh toán tiền chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán điện trên mái nhà được xem là phụ lục của hợp đồng sử dụng điện hiện nay - mặc định bên bán điện mái nhà là người sử dụng còn bên mua là EVN. Tuy nhiên thực tế có nhiều trường hợp phát sinh và muốn phát sinh thêm bên thứ 3 là các nhà đầu tư điện mặt trời trên mái nhà mà không phải người sử dụng điện.
Quy trình đấu nối hiện nay cũng chưa rõ ràng. EVN có hướng dẫn điện lực các địa phương nhưng mỗi nơi vẫn thực hiện một kiểu. Ngoài ra các thiết bị như bộ nghịch lưu, tấm quang điện được sử dụng hiện nay có đạt chuẩn không cũng chưa có cơ quan giám định chất lượng dán tem đóng dấu… còn nhiều quy định chưa phù hợp.
Ông Hải cho biết: Bộ Công thương đang tiếp nhận và ghi nhận những điều này, phối hợp với tổ chức GIZ (Đức) để xây dựng dự thảo để trình Thủ tướng ban hành cơ chế mới sửa những hạn chế của Quyết định cũ. Cơ chế mới có thể áp dụng ngay sau khi Quyết định 11 hết hạn (30.6.2019) - bắt đầu từ ngày 1.7.2019.
Ông Hải có cho biết thêm, cả Bộ Công thương cũng như Bộ Tài chính có biết cái vướng về thuế. Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng “sửa nhanh” theo hướng: Tách bạch 2 dòng tiền, tính riêng. Không áp dụng cơ chế bù trừ điện năng. “Đây chỉ là giải pháp dự kiến của Bộ Công thương”, ông Hải nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.