Điện sinh hoạt có phải đang bù chéo cho sản xuất?

Chí Hiếu
Chí Hiếu
04/06/2019 07:04 GMT+7

Các chuyên gia như TS Lê Đăng Doanh và PGS Ngô Trí Long bày tỏ bất bình về cơ chế “bù chéo” khiến giá điện bình quân sinh hoạt cao hơn giá điện cho sản xuất.

Điều này đặt trong bối cảnh nhiều ngành công nghiệp như thép, xi măng không mang lại giá trị gia tăng cao mà lại rất ngốn năng lượng càng khiến các chuyên gia lo ngại.
Liên quan việc này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, nói điện sinh hoạt đang bù chéo cho điện sản xuất là “chưa hẳn đúng”. Ông Tuấn giải thích, giá bán điện cho sản xuất có nhiều mức, theo cấp điện áp, theo các khung giờ thấp điểm hay cao điểm.
“Như cấp điện 22 kV - 110 kV thì giá trung bình là 1.555 đồng/kWh. Tương tự, giá cấp điện áp 110 kV thì 1.536 đồng/kWh, đều thấp hơn giá điện sinh hoạt bình quân. Song để mua được giá này thì khách hàng phải đầu tư cả trạm biến áp 100 kV cùng đường dây. Bên cạnh đó, nếu sản xuất vào giờ thấp điểm thì giá điện chỉ bằng 83,4% giá điện bình quân, nhưng nếu vào giờ cao điểm thì con số này là 154%. Và sản xuất thép hay xi măng cũng áp dụng mức chung với điện sản xuất chứ không có giá riêng nên cũng cần hết sức cẩn thận khi nói có bù chéo ở đây”, ông Tuấn thông tin.
Thế nhưng thông tin này lại khiến TS Trần Đình Thiên cảm thấy bất an. Ông Thiên cho rằng, trong vài năm trở lại đây, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng từ nguồn cung là tương đối tốt khi đảm bảo đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng nhưng rõ ràng phía cầu có vấn đề.
“Một thực tế rất rõ là đầu tư nước ngoài không thấy ai làm điện mấy, mà toàn người đi xài điện. Cho nên, nếu cứ đảm bảo đủ điện trong bối cảnh “dùng thả ga” rồi cứ hì hục sản xuất thì càng làm méo mó thị trường điện. Do vậy, cần nghiên cứu bài bản từ phía cầu”, ông Thiên chia sẻ. Đồng tình vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, gánh nặng cho ngành điện là nền kinh tế đang tham đầu tư quá nhiều vào các ngành không có giá trị gia tăng cao, không cạnh tranh được nhưng lại tiêu tốn quá nhiều điện. “Đáng ra, một nhà máy thép ra đời phải hỏi ông điện, xem khả năng cung cấp thế nào, đằng này cứ thoải mái mà không cần biết nguồn cung ra sao”, bà Lan lo ngại.
Ông Tuấn cho hay, hiện chi phí điện trong cơ cấu giá thành sản xuất không nhỏ nên các doanh nghiệp đã rất có ý thức tiết kiệm. Trên thực tế khi Bộ Công thương đi kiểm tra gần đây, rất nhiều doanh nghiệp có điều kiện chuyển sang làm giờ thấp điểm được thì đều tranh thủ. “Quản lý phía cầu sẽ là trọng tâm trong thời gian tới. Chúng tôi cũng đang kiến nghị Bộ Công thương có một quỹ để có chi phí nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện”, ông Tuấn nói.
Đại diện EVN cho biết thêm, thực hiện chương trình quốc gia sử dụng tiết kiệm, tập đoàn đã vận động được 2.000 trong tổng số 5.000 khách hàng trọng điểm ký cam kết tham gia chương trình quản lý phụ tải, mà điển hình là ngày 30.5 vừa qua, riêng Tổng công ty điện lực miền Bắc đã tổ chức ký cam kết với 1.700 khách hàng lớn và trong thời gian tới sẽ triển khai thêm ở Đà Nẵng và miền Nam.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết bản chất của “điều hòa phụ tải” là ngành điện thuyết phục các hộ tiêu dùng lớn chủ động giảm dùng điện vào các giờ cao điểm - khi công suất đỉnh có nguy cơ vọt lên quá cao, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống điện. Tuy nhiên, theo ông Hải, vừa qua chương trình này có kết quả là nhờ sự tự nguyện, chia sẻ của khách hàng với khó khăn của ngành điện. Để chương trình này càng hiệu quả hơn, EVN đang tính toán và đề xuất với Bộ Công thương có cơ chế tài chính đi kèm để lôi kéo các doanh nghiệp tham gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.