Điện mặt trời dư bị 'nuốt': Người dân có quyền khởi kiện!

10/05/2019 13:02 GMT+7

Việc địa phương lấy lý do để không lắp đặt công tơ 2 chiều khiến điện mặt trời dư của các hộ dân bị "nuốt" là vi phạm quy định, chủ trương chung của Chính phủ

"Chặn" xã hội hóa ngành điện 
Như Thanh Niên đã đưa tin, nhiều người dân tại tỉnh An Giang và Bình Thuận đã bức xúc phản ánh tình trạng các đơn vị điện lực địa phương không lắp đặt công tơ điện hai chiều cho họ, khiến lượng điện mặt trời dư của họ bị “trôi” mất. Cụ thể, một số hộ dân ở An Giang cho hay, gia đình bỏ chi phí 60 - 145 triệu đồng để trang bị hệ thống điện mặt trời, khi sử dụng còn thừa thì bị điện lưới “nuốt” do điện lực địa phương chưa chịu lắp đồng hồ hai chiều vì… chưa có, người dân hỏi, điện lực tại đây trả lời phải chờ.
LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM cho biết sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 16/201 quy định: Công ty điện lực tỉnh phối hợp với nhà đầu tư lắp đặt công tơ hai chiều và ghi nhận sản lượng điện tiêu thụ và sản lượng điện mặt trời sản xuất hằng tháng. Chi phí đầu tư công tơ hai chiều do công ty điện lực tỉnh chịu trách nhiệm chi trả.
Như vậy, người dân nếu tự lắp hệ thống điện mặt trời, xài dư sẽ được nhà nước thu mua lại qua đồng hồ hai chiều do công ty điện lực tại địa phương lắp đặt miễn phí.
Ông Hậu đánh giá hiện ngành điện đang có rất nhiều vấn đề mà nguyên nhân gốc rễ đến từ việc độc quyền, thị trường không có cạnh tranh. Do đó chủ trương khuyến khích điện mặt trời không chỉ giúp cải thiện môi trường mà còn là bước tiến lớn nhằm xã hội hóa, tận dụng nguồn lực từ trong dân để phát triển ngành điện, từng bước tạo thị trường điện minh bạch, cạnh tranh. Vì thế, mọi địa phương đều phải tuân thủ nghiêm túc, triển khai theo đúng quy định của Chính phủ, tính đúng, tính đủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Việc đơn vị điện địa phương từ chối sòng phẳng mua bán điện mặt trời từ người dân là đi ngược chủ trương, góp phần "chặn" xã hội hóa ngành điện. 
Trong khi hóa đơn tiền điện mỗi tháng gửi đến hộ dân vẫn tính đúng, tính đủ nếu xài quá công suất điện mặt trời, ngành điện lại viện lý do không có thiết bị để trì hoãn lắp đặt đồng hồ hai chiều đo đếm điện dư do dân bán lại Quế Hà
Tắc trách, vi phạm quy định 
Cũng theo LS Nguyễn Văn Hậu, chủ trương chung của nhà nước đã được quy định rõ ràng bằng các văn bản quy phạm nhà nước, việc các đơn vị điện lực địa phương vì bất cứ lý do gì không lắp đặt công tơ điện 2 chiều cho người dân đều là vi phạm. "Trách nhiệm chính thuộc về đơn vị điện lực tỉnh và Công ty điện lực miền Nam. Người dân có quyền khiếu nại đến Công ty điện lực miền Nam, Tổng công ty điện lực Việt Nam và nếu không có câu trả lời thỏa đáng có thể khởi kiện ra tòa" - ông Hậu nói.
Đồng tình, LS Phạm Hoài Nam, Hãng luật Bến Nghé - Sài Gòn cho rằng đang có sự không sòng phẳng trong việc tính toán mua - bán điện với người dân. Trong khi hóa đơn tiền điện mỗi tháng gửi đến hộ dân vẫn tính đúng, tính đủ nếu xài quá công suất điện mặt trời, ngành điện lại viện lý do không có thiết bị để trì hoãn lắp đặt đồng hồ 2 chiều đo đếm điện dư do dân bán lại. Theo ông Nam, lý do này không chấp nhận được vì một khi đã là chủ trương chung, các đơn vị điện lực địa phương phải chủ động thực hiện đồng bộ, có văn bản gửi lên các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp trang thiết bị để phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân. 
"Không chỉ vi phạm, điều này còn thể hiện sự tắc trách của các cơ quan chính quyền địa phương, sự không đồng bộ khi triển khai chủ trương, quy định từ trên xuống dưới, làm khổ người dân. Trong trường hợp này, người dân hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để khiếu nại hoặc khởi kiện nếu các cơ quan chức năng không nhanh chóng giải quyết thỏa đáng" - LS Nam khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.