Điện gió lo ‘bài học đau xót’ của điện mặt trời tái diễn

Chí Hiếu
Chí Hiếu
23/01/2020 10:35 GMT+7

Nhà đầu tư điện gió lẫn EVN cho rằng, cần tăng sự tương tác, để “bên này đi 1 bước thì bên kia đi 1 bước”, tránh câu chuyện dự án điện vào nhưng thiếu lưới truyền tải, như từng xảy ra với điện mặt trời

Cả nhà đầu tư điện gió lẫn bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều nhất trí rằng, cần tăng sự tương tác, để “bên này đi 1 bước thì bên kia đi 1 bước” nhằm tránh câu chuyện dự án điện vào nhưng thiếu lưới truyền tải, như từng gây bức xúc với các dự án điện mặt trời suốt gần nửa cuối năm 2019 vừa qua.

Ngành điện lo xa

Từ năm 2011 đến trước thời điểm Quyết định 39 được ban hành vào 8.2018, giá mua điện gió được quy định ở mức khoảng 1.770 đồng/kWh, tương đương 7,8 cent. Suốt thời gian này, chỉ có 9 dự án điện gió được khởi công, đi vào vận hành với công suất khiêm tốn là 353 MW.
Tuy nhiên, từ sau khi có Quyết định 39 với giá mua điện (giá FIT) mới lên mức tương đương 8,5 Uscents/kWh cho các dự án trên đất liền và 9,8 Uscents/kWh cho dự án trên biển thì số lượng các dự án đã tăng vọt. Đặc biệt, dự báo sẽ có một cuộc chạy đua mới từ đây đến tháng 11.2021 – thời điểm giá mua điện nói trên hết hiệu lực.
Số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đưa ra cho thấy, ngoài 9 dự án đã đi vào vận hành thương mại, còn 31 dự án có tổng công suất là 1.645 MW đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA), hiện đang được đầu tư xây dựng chưa đưa vào vận hành thương mại. Cùng với đó có 59 dự án khác đã được chấp thuận bổ sung quy hoạch nhưng chưa ký PPA với tổng công suất khoảng 2.700 MW.
Do đó, ngành điện lo rằng, thời điểm cuối năm nay và năm sau là có sự ồ ạt đổ bộ hoà lưới của các dự án điện gió, khiến nguy cơ quá tải lưới truyền tải lặp lại như xảy ra với các dự án điện mặt trời mùa hè vừa qua, khi mà chỉ trong một thời gian vài tháng có tới gần 90 nhà máy đồng loạt hoà lưới điện.
Để tình trạng này không tái diễn, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho rằng cả nhà đầu tư lẫn EVN trong 20 tháng còn lại phải tăng cường trao đổi thông tin, khớp nối mong muốn, tiến độ, kế hoạch của nhà đầu tư để EVN có những bước đi cụ thể, đồng bộ để khớp nối giữa hệ thống lưới với các dự án nguồn này.
Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường điện của EVN tính toán, nếu 99 dự án này cùng vào trong năm 2020 thì sẽ xuất hiện quá tải lưới truyền tải ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Cùng với đó tại Phú Yên, Quảng Trị, Trà Vinh cũng sẽ quá tải nhẹ. Còn lại các khu vực khác đảm bảo giải tỏa tốt. Còn nếu phần lớn số này đưa vào vận hành trong năm 2021 thì chỉ xuất hiện quá tải khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận.
Do đó, đại diện EVN khuyến cáo rằng, với các dự án đã bổ sung quy hoạch nhưng chưa thoả thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện thì các chủ đầu tư cần làm thủ tục này sớm với EVN để tính toán, xây dựng kế hoạch sớm, chủ động, tránh giật cục như với điện mặt trời. “Từ kinh nghiệm điện mặt trời cho thấy, không có gì đảm bảo giá FIT này sẽ còn tồn tại sau tháng 11.2021. Nên các chủ đầu tư phải nhanh chóng. Không ùn ùn xin nghiệm thu vào cùng một thời điểm khiến việc cấp giấy phép nghiệm thu phát điện lẫn điều độ vô cùng khó khăn”, ông Khoa nói.

“Điện gió khó hơn nhiều”

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội điện gió tỉnh Bình Thuận nhận xét rằng, việc EVN lo xa như vậy là không thừa, tránh bài học đau xót của điện mặt trời lặp lại, khiến các dự án điện gió đã vận hành từ trước đó phải vạ lây, cắt giảm công suất phát điện.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng để đưa một dự án điện gió vào vận hành khó và đòi hỏi thời gian lâu hơn nhiều nên tình trạng “dồn cục vào một thời điểm như điện mặt trời rất khó xảy ra”. “Đến cuối năm 2019, một loạt nhà đầu tư ký hợp đồng mua tuốc bin nhưng bên cung cấp nói rằng nhanh thì phải tháng 3.2021 mới có hàng. Bình quân thi công một dự án điện gió phải 12-14 tháng, gấp đôi điện mặt trời nên không dễ để cùng vào đồng loạt đâu”, ông Thịnh nói.
Dù vậy, ông Thịnh cũng cảnh báo, vấn đề ở chỗ là số dự án nói trên chưa chắc dừng lại bởi “năm nay sẽ xin bổ sung quy hoạch rất nhiều”. Vì vậy, EVN cần có nguyên tắc phải ưu tiên dự án vào trước nếu xảy ra tình trạng quá tải lưới. “Nếu vẫn như thế này thì chết điện gió mất. Chúng tôi có vài dự án, đã vào từ lâu, giá chỉ  8,3 cent so với điện mặt trời 9,35 cent, điện gió cũng thân thiện hơn với môi trường, ổn định hơn nên sẽ tốt hơn cho điều độ hệ thống, nhưng chúng tôi lại bị cắt giảm để nhường mấy ông điện mặt trời mới vào, thế là không công bằng”, ông Thịnh bức xúc.
Theo ông Trần Đình Nhân, ngành điện đang nỗ lức hết sức để giải toả các dự án năng lượng tái tạo. Điển hình là 19 dự án điện mặt trời bị quá tải lưới hồi mùa hè 2019 sẽ được giải toả hết vào quý 3 năm nay, vượt tiến độ khoảng 3 tháng. “Để điều đó không lặp lại thì EVN hàng tháng, hàng quý sẽ thông tin đầy đủ tình trạng lưới điện, kế hoạch bổ sung các dự án hạ tầng cho các chủ dầu tư biết chúng tôi có gì, mọi người đang ở đâu. Ngược lại, chúng tôi cũng muốn các chủ đầu tư điều đó để làm sao bên này đi một bước thì bên kia đi một bước, không xảy ra lạch pha”, ông Nhân chia sẻ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.