Dịch vụ viễn thông có bị 'siết' khuyến mãi?

Mai Phương
Mai Phương
04/09/2018 06:58 GMT+7

Dịp lễ 2.9 vừa qua, lần đầu tiên sau 6 tháng, các nhà mạng đồng loạt áp dụng chương trình khuyến mãi từ 50 - 100% thẻ cào cho khách hàng sử dụng di động trả trước, thay vì mức 20%.

Nhà mạng “hé cửa”
Cụ thể cả 3 “ông lớn” viễn thông gồm MobiFone, Vinaphone và Viettel tặng thêm 50% số tiền cho khách hàng dùng di động trả trước nạp thẻ cào điện thoại. Thậm chí nhà mạng Vietnammobile tặng thêm đến 100% cho khách hàng nạp thẻ từ 50.000 đồng trở lên. Tuy nhiên, cả 3 nhà mạng lớn đều giới hạn thời gian sử dụng cho số tiền tặng kèm chỉ kéo dài trong vòng 2 tuần. Riêng Vietnammobile cho kéo dài thời gian sử dụng 1 tháng. Điều này khiến người dùng di động không mấy mặn mà bởi việc giới hạn thời gian sử dụng số tiền khuyến mãi (KM) đồng nghĩa với việc không khuyến khích khách hàng nạp tiền nhiều.
Chị Khánh Loan, một khách hàng tại Q.3, TP.HCM, thất vọng, nói: “Giả sử nạp 1 triệu đồng được cộng thêm 500.000 đồng trong tài khoản, nhưng chỉ sau 2 tuần không sử dụng hết lại mất đi. Trong khi đó bình thường tôi chỉ sử dụng khoảng 200.000 - 300.000 đồng cước điện thoại mỗi tháng. Vì vậy tôi cũng chỉ nạp thẻ 200.000 đồng như những khuyến mãi 20% thông thường”.
Dù không công bố chính thức nhưng trước thắc mắc của nhiều khách hàng khi bỗng nhiên tăng mức KM, các nhà mạng trao đổi ngoài lề là họ áp dụng chương trình theo Nghị định số 81/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động xúc tiến thương mại có hiệu lực thi hành từ ngày 15.7.2018.
Cụ thể, trong trường hợp tổ chức các chương trình KM tập trung thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng là 100%. Tuy nhiên, dù đã viện dẫn theo Nghị định số 81 về hoạt động xúc tiến thương mại nhưng có vẻ các nhà mạng vẫn “run tay”. Điều này thể hiện qua việc giới hạn thời gian sử dụng số tiền KM của khách hàng mà không hề được “thả ga” như thông thường.
Không thể “phân biệt đối xử”?
Theo quy định trước đó và cả Nghị định 81 của Chính phủ mới ban hành, hàng hóa dịch vụ được phép giảm giá không vượt 50% giá trị và có thể lên mức tối đa 100% trong các chương trình tập trung do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Trong khi đó, dịch vụ di động trả trước lại chỉ được phép KM tối đa 20% kể từ tháng 3 vừa qua theo Thông tư số 47/2017 của Bộ Thông tin - Truyền thông. Điều này vừa tách biệt dịch vụ viễn thông ra khỏi thị trường vừa khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi.
Trước đó, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Thông tin - Truyền thông, các nhà mạng cũng kiến nghị bỏ quy định KM tối đa 20% với thuê bao trả trước vì quy định này không tuân thủ kinh tế thị trường.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận định, việc Bộ Thông tin - Truyền thông có quy định khác biệt là không phù hợp. Ông cho rằng không nên giới hạn mức giảm giá mà cần để doanh nghiệp (DN) tự quyết theo cung cầu của thị trường. Thậm chí có thể cho phép DN giảm giá lên mức 80 - 90% bất kỳ lúc nào khi cần giải phóng hàng tồn kho, hàng qua mùa... Điều quan trọng là cơ quan quản lý chỉ kiểm soát chất lượng hàng hóa dịch vụ trước và trong khi thực hiện KM, đảm bảo DN không bán hàng dỏm, hàng kém chất lượng cho người dùng.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng các nhà mạng áp dụng chương trình giảm giá theo quy định mới của Chính phủ là đúng. Nghị định 81/2018 có hiệu lực và thay thế các quy định cũ trước đó thì tự động tất cả văn bản trái với quy định này đều không còn hiệu lực.
Quan trọng hơn, khi các bộ ngành đưa ra những quy định mang tính hạn chế quyền của DN hay cá nhân thì phải tuân thủ đúng quy định của Chính phủ. Trong khi đó, dịch vụ viễn thông ngày nay cũng không phải là một loại hàng hóa quá đặc biệt để phải áp dụng theo các quy định riêng. Vì vậy nên cởi trói để cũng giống các hàng hóa khác, có thể được giảm giá 50% hoặc thậm chí lên đến 100% trong các chương trình tập trung do nhà nước thực hiện.
“Thông tư không được trái với nghị định. Hơn nữa, các bộ ngành chỉ được phép ban hành văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết các nghị định của Chính phủ mà không được tự ý đưa ra những quy định mới mang tính thả lỏng hay siết chặt hơn. Đặc biệt trong một số lĩnh vực, nếu nghị định có quy định hạn chế quyền của người khác thì thông tư hướng dẫn còn phải theo hướng xử lý sao có lợi nhất cho người dân”, luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.