Dịch vụ GrabCar được đặt dưới sự quản lý của Bộ Giao thông vận tải

07/09/2015 08:00 GMT+7

Vừa qua, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã ký tờ trình Chính phủ đề nghị xem xét và chấp thuận Đề án thí điểm “triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (GrabCar). Đây có thể coi là động thái mở đầu cho việc thiết lập hành lang pháp lý cho các dịch vụ kết nối với xe hợp đồng sau nhiều tranh cãi.

Vừa qua, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã ký tờ trình Chính phủ đề nghị xem xét và chấp thuận Đề án thí điểm “triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (GrabCar). Đây có thể coi là động thái mở đầu cho việc thiết lập hành lang pháp lý cho các dịch vụ kết nối với xe hợp đồng sau nhiều tranh cãi.
Thí điểm tại 5 thành phố lớn
Theo Bộ GTVT, thời gian gần đây, đã xuất hiện một số ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối hành khách và DN vận tải như LiveTaxi, Uber, GrabTaxi…, phản ánh xu thế ứng dụng công nghệ thông tin trong giao thông quốc tế và VN. Tuy nhiên, theo Bộ này, cũng có một số bất cập như có trường hợp thì phần mềm hỗ trợ kết nối được cung cấp từ một tổ chức thành lập và đăng ký hợp pháp ở VN nhưng cũng có trường hợp được cung cấp từ đơn vị ngoài nước. Phần mềm hỗ trợ kết nối thường ứng dụng cho xe taxi và hợp đồng nhưng cũng có trường hợp chưa được cấp phù hiệu “xe hợp đồng”. “Điều này chưa phù hợp với qui định hiện hành và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô”, Bộ GTVT nêu.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng thì xu thế ứng dụng phần mềm hỗ trợ cho kết nối vận tải như vậy có nhiều yếu tố tích cực nên cần thí điểm ứng dụng. Trước mắt, Bộ này đề nghị cho thí điểm ứng dụng công nghệ phần mềm kết nối trên cho các đơn vị có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng (khai thác xe dưới 9 chỗ, có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và cấp phù hiệu xe) tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Tạm thời Công ty TNHH GrabTaxi VN được giao hỗ trợ lái xe của các DN vận tải thực hiện cài đặt ứng dụng kết nối vào thiết bị di động.
Thị trường xe ô tô hợp đồng sẽ sôi động?
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) cho rằng, nếu Đề án được Chính phủ phê duyệt và cho triển khai rộng, sẽ thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường dịch vụ vận tải bằng taxi và người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn. “Vấn đề là phải xem, qua việc thí điểm, có những hoạt động nào không phù hợp theo quy định của luật pháp thì phải điều chỉnh để đảm bảo cạnh tranh và đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng”, ông Tuấn nói.
Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế với các DN lớn, Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, dịch vụ trên sẽ đem lại nhiều tiện ích cho xã hội. “Tôi thấy cho phép triển khai ứng dụng này là rất cần thiết. Các xe thay vì cứ chạy long nhong trên đường, tốn xăng, gây khói bụi thì sẽ dễ dàng tìm đến hành khách hơn. Và nó cũng giúp khách hàng tìm được xe nhanh hơn, đi lại an toàn do thông tin về người lái xe, hành trình được lưu giữ trên hệ thống”, ông Phụng nói. Cũng theo ông Phụng, việc cho phép ứng dụng trên sẽ mở ra môi trường cạnh tranh hơn giữa các DN cung ứng dịch vụ taxi, tạo sức ép nâng cao chất lượng dịch vụ. “Hãng nào kết nối tốt, thu hút được nhiều khách hàng, ổn định sẽ phát triển”, ông Phụng nêu quan điểm.
Đề xuất trên cũng đã nhận được sự ủng hộ của Bộ Công thương. Trao đổi với Thanh niên, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, Bộ Công thương cũng đang soạn thảo dự thảo thông tư về quản lý hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng di động nên những dịch vụ hỗ trợ phần mềm kết nối DN và hành khách như trong lĩnh vực vận tải mà Bộ GTVT đề xuất là những bước đi thí điểm rất tốt để Bộ Công thương nghiên cứu, xây dựng chính sách cho phù hợp. “Những dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, thông tin di động …theo tôi, nó sẽ tạo cạnh tranh và đem lại nhiều tiện lợi cho cả người tiêu dùng và DN vận tải”, ông Linh nói.
Liệu có thất thu thuế ?
Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, việc quản lý, theo dõi, tính thuế với các DN vận tải ứng dụng phần mềm kết nối không có gì khó khăn. “Tôi nghĩ là Bộ Tài chính đủ năng lực để kiểm soát. Các cơ quan thuế sẽ quản lý được hết theo dòng tiền phát sinh của các DN, việc thu, nộp tiền của khách hàng đều được theo dõi trên sổ sách, tài khoản đầy đủ”, ông Phụng nói. Ông này cũng cho biết, hiện nay, Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng 2 phương án để xác định tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN với công ty cung cấp dịch vụ kết nối vận tải ở nước ngoài. Ông Phụng cho biết thêm, cơ quan thuế cũng sẽ yêu cầu các DN vận tải tham gia ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối khách hàng có báo cáo thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước và xuất hóa đơn GTGT cho khách hàng sử dụng dịch vụ để giảm thiểu khả năng thất thu thuế.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nói: “Vừa qua đã có một số thành phố đã ứng dụng dịch vụ này như là Uber, GrabTaxi, v.v… Tuy nhiên ứng dụng này chưa được quản lý một cách chặt chẽ. Để thực hiện ứng dụng mới tốt hơn Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính Phủ cho phép ứng dụng ở 5 thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, và Quảng Ninh bằng hợp đồng. Trước đây chúng ta hợp đồng bằng giấy, bây giờ chúng ta hợp đồng trên điện thoại di động. Chúng ta chỉ cần tải phần mềm GrabTaxi, thì chúng ta đưa phần mềm vào thì như là người dân khai báo tất cả những thông tin đối với một hợp đồng vận chuyển hành khách. Hợp đồng như vậy là bản thân phần mềm hỗ trợ người đặt hợp đồng cũng như là đơn vị vận chuyển đó sẽ thông qua điện thoại, [ứng dụng] sẽ giúp cho hợp đồng đó một cách nhanh chóng và không cần phải kí tá như trước đây. Việc này tôi cho rằng rất tiện lợi cho hành khách cũng như cho đơn vị vận chuyển. Và sẽ ứng dụng ở 5 thành phố trước một năm sau đó chúng tôi sẽ tổng kết, đánh giá và thực hiện [trên] tất cả tỉnh thành cả nước.”
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.