Xung quanh Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội: Những cơ quan nào đã "tham mưu" giá đất cho UBND TP Hà Nội ?

29/09/2006 00:27 GMT+7

Dự án Khu đô thị Nam Thăng Long (KĐTNTN) liên doanh với Tập đoàn CIPUTRA - Indonesia theo giấy phép đầu tư số 1792/GP ngày 30.12.1996 của Bộ KH&ĐT, được Thủ tướng Chính phủ giao đất theo Quyết định số 1106/TTg ngày 19.12.1997 với tổng diện tích 3.231.367m2. Do quy mô diện tích đất lớn nên việc giải phóng mặt bằng phải triển khai thực hiện qua nhiều năm với 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 đã hoàn thành từ năm 2001; giai đoạn 2 của dự án (92,7 ha) và một phần giai đoạn 3 (104 ha) của dự án đang được triển khai từ năm 2004 đến nay. Hiện nay, trên các khu đất được bàn giao, chủ đầu tư là Công ty TNHH phát triển KĐTNTL đã xây dựng công trình (nhà ở, trường học, đường giao thông) và đã bước đầu đưa vào sử dụng.  

Giai đoạn 1 - dự án  KĐTNTL đã  bán xong 390 biệt thự với giá 1.300 USD/m2  (tương đương 20,8 triệu đồng/m2) và 318 căn hộ chung cư  với giá 500 USD/m2 (tương đương 8 triệu đồng/m2) nhà chung cư. Giá trung bình mỗi nhà biệt thự khoảng 5-6 tỉ đồng/nhà, vị trí đẹp lên tới hơn chục tỉ đồng/nhà; giá mỗi căn hộ chung cư cũng từ 1,2-1,5 tỉ đồng/căn hộ. Trong giai đoạn 1 của dự án này, nhiều người đăng ký mua được biệt thự và nhà chung cư ở đây bán trao tay và lãi ngay một khoản tiền lớn.

Một nguồn tin cho biết, trong giai đoạn 2, liên doanh này sẽ xây khoảng 2.000 ngôi nhà thấp tầng (biệt thự) và 8.000 căn hộ chung cư. Còn giá bán ở giai đoạn 2 của dự án này đã được liên doanh công bố ở mức 1.700 USD/m2 (khoảng 27 triệu đồng/m2) đất biệt thự và 630 USD/m2 (khoảng 10 triệu đồng/m2) nhà chung cư. Như vậy giá nhà biệt thự và căn hộ chung cư cao tầng ở Dự án KĐTNTL vào loại đắt nhất Việt Nam. Nhưng tiền sử dụng đất của gần 1 triệu m2 đất giai đoạn 2, nhà đầu tư KĐTNTL chỉ phải trả thấp hơn từ 8-10 lần khung giá đất có hiệu lực từ 1.1.2005. Vì thế, một nguồn tin cho rằng siêu lợi nhuận của nhà đầu tư dự án này có thể lên tới hàng tỉ đô la.

Trong khi giá bán những căn hộ chung cư và nhà biệt thự ở dự án KĐTNTL cao ngất trời như nói ở trên và chỉ những người có thu nhập cao mới đủ tiền mua được thì giá đất đền bù giải phóng mặt bằng trả cho các hộ dân lại rất thấp. Cụ thể giá đền bù cho các hộ dân là 185.570 đồng/m2 năm 2004 và 337.000 đồng/m2 năm 2005. Vì vậy nhiều hộ dân khiếu nại cho rằng đây là dự án kinh doanh nên chủ đầu tư phải thỏa thuận về bồi thường, hỗ trợ đối với người sử dụng đất bị thu hồi.

Một vấn đề đặt ra là tại sao khi phê duyệt giá tiền sử dụng 92,7 ha đất giai đoạn 2 ở khu vực này, UBND TP Hà Nội lại không hạn chế lợi nhuận của nhà đầu tư để tăng nguồn thu từ đất cho ngân sách Nhà nước, mà ngược lại lại duyệt giá thấp hơn nhiều so với khung giá đất công bố theo luật đất đai? Theo tìm hiểu của chúng tôi, kẽ hở lớn nhất chính là việc Sở Tài chính và Cục Thuế Hà Nội đã "tham mưu" cho lãnh đạo thành phố trong tờ trình liên ngành số 29050/TT-LN tháng 11.2004 về giá thu tiền sử dụng đất giai đoạn 2 của dự án KĐTNTL ở mức giá thấp hơn khung giá đất có hiệu lực từ 1.1.2005. Tất nhiên, hai cơ quan này có thể giải trình rằng, thời điểm tháng 11.2004, họ đề nghị mức giá thu tiền sử dụng đất giai đoạn 2 KĐTNTL là hoàn toàn dựa trên các văn bản pháp quy của Nhà nước. Nhưng có một điều họ thừa biết rằng, chỉ sau thời điểm ấy ít ngày, giá đất mới được công bố và áp dụng từ ngày 1.1.2005 sẽ gấp nhiều lần mức giá đất mà họ đề nghị cho dự án KĐTNTL được hưởng. Vậy thì tại sao cơ quan chức năng cao nhất về tài chính và thuế của Hà Nội lại có thể "tham mưu" đề nghị một mức giá thu tiền sử dụng đất thấp tới mức có thể (vô tình hoặc hữu ý) làm thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước như vậy? Câu hỏi này xin gửi tới các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ có hay không việc thiệt hại 3.000 tỉ đồng do việc "tham mưu" sai của Sở Tài chính và Cục Thuế Hà Nội khi đề nghị UBND TP Hà Nội phê duyệt giá đất cho giai đoạn 2 dự án KĐTNTL?

Nhóm PV Thời sự

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.